Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Hoa văn của người Lô Lô

Hoa văn - họa tiết trên thổ cẩm của người Lô Lô

Hai nhóm Lô Lô Hoa và Lô Lô Đen đều sử dụng phối hợp kỹ thuật chắp vải mầu có thêu khá tinh tế trong những khuôn thức bố cục chặt chẽ, có hòa sắc rực rỡ sáng, tươi của các mầu nguyên sắc được bố trí bên nhau làm rõ, làm tăng độ tương phản vốn có. Người Lô Lô Hoa sử dụng kỹ thuật trang trí chắp hình vải mầu nhiều hơn trên trang phục. Người Lô Lô Đen sử dụng kỹ thuật thêu nhiều hơn, dùng xen kẽ với chắp hình vải mầu, bố cục trang trí trang phục thoáng, nhẹ hơn. Cả hai nhóm đều thể hiện nhiều mẫu hình trang trí đặc sắc của các dân tộc có ngôn ngữ: nói tiếng Tạng-Miến ở phía Bắc nước ta.

Hình tượng thần vị Kết Dơ - cai quản vũ trụ, tạo ra con người; các hình tròn có chữ Hán trên các hình chạm bạc, các khuy hình tròn bằng vỏ trai, vỏ ốc xà cừ có mầu sắc lóng lánh dính thành dẫy, thành chùm trên nền khăn đen, các hạt cườm ngũ sắc, các tua đỏ dính viền mép khăn đội đầu, thể hiện cho bầu trời cùng các vị thần tinh tú. Đường diềm trang trí bổ ô thể hiện họa tiết biểu trưng cho sự tuần hoàn của Mặt trời, Mặt trăng, thời tiết, mùa màng viền quanh khăn, là một kiểu bố cục khăn đội đầu của họ.

Hình tượng thần vị Mít Dơ - cai quản mặt đất, che chở con người, các hình tròn có chữ Hán trên các hình chạm bạc. Đường diềm trang trí bổ ô hình vuông thể hiện họa tiết tượng trưng cho bốn phương và trung tâm viền quanh khăn đội đầu, các mảng trang trí trung tâm chia thành nhiều ô vuông, trong ô vuông có chắp vải hình tam giác kèm nhau đôi một, một bên sáng một bên tối, một bên đậm mầu một bên nhạt mầu, một bên rực sáng một bên trầm u... thể hiện cho sự chuyển biến tuần hoàn của không gian, thời gian, của vũ trụ kỳ bí - là một kiểu bố cục khăn đội đầu của họ.

Cả hai kiểu bố cục đó đều sử dụng các họa tiết khác nhau nhằm biểu trưng cho cõi trời, cõi đất. Sự thể hiện nội dung này trong trang trí Lô Lô là hoàn toàn khác biệt.

Trong trang trí Lô Lô, nhất là trên trang trí của nhóm Lô Lô Đen, ta thấy xuất hiện hình trang trí: chim Ngó Bá. Phải chăng, con chim huyền thoại Ngó Bá này chỉ có liên quan đến nhóm Lô Lô Đen, như hiện tượng dân tộc học về tín ngưỡng vật tổ, còn tồn tại trong văn hóa của nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Lô Lô. Trên cả hai tấm khăn, người ta còn thêu những đường diềm nhỏ trang trí hình con cừu, đó là một con vật trong số 12 con vật tượng trưng để tính lịch, ngày, tháng, năm trong cách tính thời gian của nhiều dân tộc có ngôn ngữ Tạng - Miến.

Trên trang trí Lô Lô còn xuất hiện hoa văn trang trí hình bông lúa, là loại họa tiết thường trang trí trên quai trống đồng, một loại hình nhạc cụ phổ biến của các dân tộc ở miền Nam Trung Hoa và ở Việt Nam, trong đó có dân tộc nói ngôn ngữ Tạng - Miến. Hiện nay, người Lô Lô vẫn còn lưu giữ bảo quản loại trống đồng cổ truyền này với tư cách một nhạc cụ, sử dụng trong những dịp tiến hành nghi lễ trang trọng phục vụ cho phong tục, tập quán của dân tộc. Trang trí Lô Lô thực sự mang bản sắc văn hóa, cách nhìn quan điểm thể hiện nghệ thuật độc đáo riêng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét