Thứ Tư, 23 tháng 12, 2009

Độc đáo trang phục các dân tộc Yên Bái



Các dân tộc ở Yên Bái sống xen kẽ, quần tụ ở khắp các địa phương trên địa bàn của tỉnh với những bản sắc văn hóa phong phú đặc sắc. Tất cả đã hòa quyện để tạo nên vốn văn hóa quý giá trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Một trong những sắc thái độc đáo tạo nên những nét riêng cho mỗi dân tộc chính là bộ trang phục truyền thống. Trang phục các dân tộc là một nét văn hóa đẹp, chúng không chỉ đặc trưng cho mỗi dân tộc mà còn nói lên phong tục, cách sống… của tộc người đó.

Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc có kiểu dáng và cách trang trí hoa văn không giống nhau. Nếu như trang phục của người Cao Lan, người Tày và người Nùng đơn giản, không cầu kỳ về kiểu dáng và màu sắc thì trang phục truyền thống của đồng bào Mông, Dao, Thái lại khá phong phú về hoa văn và mềm mại về kiểu dáng. Tuy có sự khác nhau về cách bài trí nhưng trang phục của các dân tộc đều được thiết kế tiện cho việc đi lại và thuận lợi cho lao động hàng ngày. Cùng với những bộ váy áo do đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn thẩm mỹ của các thiếu nữ tạo ra thì những bộ trang sức như các loại vòng cổ, vòng tay bằng bạc là không thể thiếu được trong trang phục của người dân tộc.

Trong các dân tộc sinh sống ở Yên Bái, dân tộc Dao là dân tộc chiếm số đông (tới 9,1% dân số của toàn tỉnh), gồm có 4 nhóm chính là Dao đỏ, Dao quần chẹt, Dao trắng và Dao tuyển. Để phân biệt giữa các nhóm người Dao, người ta chủ yếu dựa vào sự khác nhau trong trang phục người phụ nữ. Tuy có khác nhau về một số chi tiết nhưng tựu chung lại, người Dao thường sử dụng các màu đỏ, đen và trắng để tạo ấn tượng mạnh mẽ, cùng với đó là sự trang trí các họa tiết phong phú như hình cây thông, hình cỏ cây, hoa lá, muông thú. Chất liệu vải để may trang phục được dùng bằng vải lanh nhuộm chàm. Theo phong tục của người Dao thì trong bộ y phục, quan trọng nhất là chiếc áo dài có màu chàm hoặc màu đen. Bên trong chiếc áo dài, phụ nữ Dao còn mặc một chiếc áo “lui ton” giống như cái yếm, mặc bên trong che kín cả ngực, cổ tròn mở sau gáy. Một trong những thứ tạo nên nét độc đáo cho bộ y phục Dao không thể không kể đến khăn đội đầu và các đồ trang sức bằng bạc.

Với lối dùng màu chàm phổ biến, trang phục của dân tộc Tày mang dáng vẻ đằm thắm rất đặc trưng. Trang phục của phụ nữ dân tộc Tày thường rất ít hoặc không trang trí hoa văn thêu thùa. Áo dài là loại áo 4 thân, gài khuy áo một bên cạnh sườn. Đi cùng với áo, phụ nữ Tày thường mặc quần dài hoặc váy rộng màu đen, dây lưng dài quấn quanh eo từ 2 đến 3 vòng. Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm có thêm dải hoa văn, khi đội vấn ngang đầu, ôm gọn mái tóc vừa tạo sự duyên dáng cho người mặc, vừa gọn gàng, thuận tiện trong các hoạt động lao động sản xuất. Trang phục của người Tày tuy đơn giản song ẩn sâu trong đó là sự giản dị, duyên dáng, đằm thắm của người phụ nữ dân tộc Tày.

Bộ trang phục của dân tộc Cao Lan gồm áo và váy lại có độ trầm hơn bởi sự phối màu và sự kết hợp độc đáo từ nhiều mảnh ghép của màu đen và màu nâu đỏ trong chiếc áo dài. Áo được may với cổ đứng ngắn, cài khuy bên nách phải, có xẻ tà dài. Váy được nhuộm chàm và có độ rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại và lao động của phụ nữ Cao Lan. Cùng với váy và áo, phụ nữ Cao Lan quấn xà cạp ở chân và dùng đồ trang sức vòng cổ, vòng tay bằng bạc.

Không trang trí hoa văn rực rỡ, phụ nữ dân tộc Nùng mặc áo 4 thân màu chàm, may rộng cả phần thân và tay áo. Điểm khác biệt rõ nét nhất để phân biệt dân tộc Nùng với dân tộc Tày và Cao Lan là cách đội khăn và cách trang trí màu sắc và hoa văn trên từng chiếc khăn đội đầu. Trang sức cơ bản của người Nùng là vòng bạc và dây xà tích, đây là vật trang trí quan trọng làm nổi bật bộ trang phục của phụ nữ dân tộc Nùng.

Dẫu không giống nhau về kiểu cách, hoa văn trong trang phục của các dân tộc Yên Bái nhưng đều toát lên sự chắt chiu những tinh hoa văn hoá trong cộng đồng để tạo nên nét độc đáo riêng có trong mỗi trang phục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét