Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Hoa văn trên trang phục của người Tày


Trang phục cô gái Tày

Trang Phục của người Tày đơn giản một sắc chàm, nét đặc sắc thể hiện ở những mẫu hoa văn trên vải của họ. Loại vải dệt hoa văn mầu đen trên nền vải trắng là loại vải để may mặt chăn, loại hình trang trí này phổ biến trong các dân tộc nói ngôn ngữ Tày-Thái, mà người ta còn dùng một thuật ngữ để gọi đồ án trang trí hoa văn như thế này là lái ăm - có nghĩa là vằn đồ đan, giống như các vằn nổi trên đồ đan. Họa tiết được kỷ hà hóa là chính để thích hợp với việc dệt trên khung dệt. Bố cục họa tiết theo phương pháp ô quả trám có các đường viền xung quanh tạo thành các đường diềm gãy khác. Trong các ô quả trám là họa tiết cách điệu hóa hình họa, hình ngọn rau bầu, bí, là loại cây có liên quan nhiều đến nền văn hóa cổ, tín ngưỡng cổ của nhiều cư dân nông nghiệp ở phía Bắc nước ta, trong đó có người Tày. Các dân tộc Thái, Lào, Lự ở nước ta phát triển loại hình trang trí này rất đa dạng, phong phú.

Trên cơ sở của loại bố cục hoa văn một mầu đen trên nền trắng như thế này, người Tày lại phát triển trang trí theo một hướng khác, gài mầu vào từng đoạn họa tiết, từng mảng họa tiết tùy trình độ thẩm mỹ, ý thích của người dệt trên khung dệt thủ công, có tên gọi là thổ cẩm, mang ý nghĩa là một loại gấm của địa phương.

Thổ cẩm có loại hình vuông để may mặt địu, có thể thức bố cục hoa văn đăng đối tuyệt đối, bao gồm những diềm và hoa văn bỏ ô ở khu vực trung tâm trang trí. Ngoài ô quả trám đã xuất hiện các biến thể như ô hình tám cạnh, hình vuông, hình chữ nhật, tạo cho đồ án trang trí có đường nét cấu tạo phong phú hơn, đa dạng hơn.

Có loại thổ cẩm bố cục hình chữ nhật để làm mặt chăn, màn che. Những tấm màn che mà vị trí là ở các nơi thờ cúng tổ tiên, người ta thể hiện các đề tài liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, như thêm đường diềm ở phía trên - tương ứng với cõi Trời, có hình các vị thần linh, bảo hộ cho sự sống bình an của con người hoặc thêm đường diềm ở phía dưới - tương ứng với cõi Đất, có hình con ngựa, con chim là những hình tượng biểu trưng cho cuộc sống, cỏ cây, muông thú trên mặt đất như quan niệm về vũ trụ của dân gian. Ngoài ra, còn có nhiều họa tiết khác nữa, như các chữ Hán-theo kiểu chữ triện, hồi văn phật giáo-chữ Vạn, Hoa đào, Hoa cúc cách điệu, hình mặt trời, ngôi sao tám cánh v.v.

Mầu sắc rực rỡ, sự phối hợp các màu nguyên sắc có độ tương phản cao bên nhau khá mạnh bạo. Có những hòa sắc trầm, dịu, hoặc sáng tươi, các sắc thái khác nhau cho thấy thổ cẩm Tày không gò bó trong quy thức hòa màu hạn chế nào, cho thấy sức sáng tạo phong phú và đa dạng của nghệ nhân nhiều thế hệ, đó cũng là những dấu ấn của sự phát triển trong trang trí dệt dân gian của người Tày để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống ngày một đa dạng phong phú, về các mặt văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc.

Bố cục hình vuông của thổ cẩm, bố cục hình chữ nhật của loại thổ cẩm làm mặt chăn hoặc màn che có quy định phía trên phía dưới - là những bố cục riêng có trong trang trí dệt của người Tày, mà các dân tộc anh em không có.

Trang phục phụ nữ Khơ mú ở Nghệ An

Trang phục của phụ nữ

Người Khơ mú ở Nghệ An thường mua vải đã nhuộm sẵn về cắt may y phục. Bộ y phục thường ngày của đồng bào gồm có khăn đội đầu, áo, yếm, thắt lưng, váy, xà cạp.

Khăn đội đầu (hưm pông) thường ngày được may bằng vải mộc hoặc nhuộm chàm, không trang trí hoa văn. Khăn dài khoảng 2m, rộng 38- 40cm tuỳ theo khổ vải dệt. Khăn quấn đi lễ hội là loại khăn có thêu hoa văn một mặt rất đẹp. Người ta khéo léo quấn vòng quanh đầu để phô phần hoa văn ra ngoài. Một loại khăn khác là khăn nối (một nửa là vải thô nhuộm chàm, một nửa là dệt hoa văn) cũng thường được phụ nữ dùng trong dịp lễ hội.

Áo của người Khơ mú mặc thường ngày chủ yếu là áo ngắn màu chàm, xanh thẫm hoặc xanh lá mạ... Nẹp cổ liền với nẹp ngực nhưng chỉ dài ngang ngực. Phía dưới hai nẹp ngực nối thêm những băng vải nhỏ có màu đỏ, xanh, vàng... Áo thường có hai lớp vải, lớp trong thường là vải chéo xanh hoặc phin, lớp ngoài là vải dệt thô nhuộm chàm. Còn áo mặc trong những dịp lễ hội, cưới xin thường là áo dài. Khi mặc áo dài sẽ trùm kín cạp váy khoảng 20cm. Áo thường có hai loại dành cho 2 đối tượng. Đối với những gia đình khá giả sẽ mặc áo có dọc theo nẹp ngực, dưới gấu thêu hoa văn, sau lưng đính hai dải chỉ các màu có các tua dài sặc sỡ. Gấu tay áo nối những băng vải nhỏ màu xanh, đỏ, vàng. Loại thứ hai thường dành cho phụ nữ nghèo. Loại này không thêu thùa cầu kỳ mà chỉ trang trí mấy băng vải nhỏ trên nẹp ngực.

Bộ y phụ của phụ nữ Khơ mú còn có chiếc yếm (ươm). Yếm được may bằng vải trắng hoặc hồng. Đầu yếm cắt lượn tròn và thêu hoa văn trang trí, có đính hai dây vải để buộc vào cổ. Thân yếm đính hai dải vải dài hơn để buộc ra sau lưng.

2m, rộng 20cm. Khi dùng, họ gấp làm ba theo chiều dọc rồi quấn vòng quanh eo và giắt mối lại. Loại thắt lưng được làm bằng vải đỏ hoặc xanh, xâu vào một dây xà tích bằng vỏ ốc nhỏ, nay rất hiếm nên ít người dùng. Thắt lưng của những người khá giả dùng trong dịp lễ, tết là loại thắt lưng có đính nhiều mảnh bạc nhỏ hình tròn nối tiếp nhau.

Váy trước đây chủ yếu may bằng vải dệt thủ công màu xanh sẫm hoặc màu chàm, ở phần chân váy thêu hoa văn trang trí bằng chỉ nhiều màu. Vào những dịp lê, tết, phụ nữ Khơ mú thường mặc những chiếc váy đẹp nhất. Họ có hai loại váy: một loại may bằng vải tơ tằm pha sợi bông (còn khôm, còn như), một loại may bằng lụa tơ tằm (còn nhang). Hoa văn trang trí trên váy rất đa dạng gồm hình mặt trời, mặt trăng, hươu, nai, rồng, chim công, gà lôi, các loại hoa thược dược, hoa ban, phong lan...

Ngoài ra, phụ nữ Khơ mú còn có bộ xà cạp vận hằng ngày. Xà cạp được làm bằng vải màu chàm, dài khoảng 1m, rộng 40cm được gấp chéo theo chiều dọc. Khi dùng xà cạp phải quấn hai bên chân ngược chiều để đối xứng nhau.

Cùng với những bộ y phục trên, trong dịp cưới xin, lễ hội.... phụ nữ Khơ Mú còn đeo vòng đeo tay và vòng cổ bằng bạc, trông họ thật tha thướt, dịu dàng.


Lê Mai Oanh


Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Trang phục phụ nữ Cơ-ho

Trang phục phụ nữ Cơ Ho

Dân tộc Cơ-ho có 128.723 người, cư trú chủ yếu ở các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Bảo Lộc, Di Linh, Đà Lạt... tỉnh Lâm Đồng. Người Cơ-ho cư trú thành từng buôn, mỗi buôn thường là bà con họ hàng gần xa với nhau.

Dân tộc Cơ-ho tuy không có nghề trồng bông dệt vải nhưng qua trao đổi mua bán với các dân tộc anh em trong vùng họ mua sợi và dệt ra những sản phẩm vải để cắt may những bộ y phục truyền thống của dân tộc mình.

Trang phục phụ nữ Cơ-ho gồm: áo, váy, đồ trang sức, tấm choàng.

Áo (áo kroh): dệt bằng vải sợi bông màu trắng trên cài một số hoa văn. Áo dài khoảng 80cm, rộng 40cm, áo viền cổ tròn, áo hình chữ nhật trên dưới bằng nhau, vạt trước ngắn hơn vạt sau. Hoa văn trang trí chủ yếu hình quả trám ở giữa là hình cối giã gạo.

Váy (ùi bần): Váy thuộc loại váy cuốn dài khoảng 150cm, rộng 90cm, hình chữ nhật, màu xanh chàm, hai bên mép dệt hoa văn với các màu trắng, vàng, xanh, hai đầu váy thường để tua. Hoa văn trang trí chủ yếu là các đường kẻ song song, chấm trắng, đường kẻ ngang, ô chấm, dây cột trâu, lá nón, hoa văn trên ống đựng tên, ché rượu cần, gốc cây tre làm chà gạc... Toàn bộ hoa văn trên váy của nữ giới là hoa văn dệt chứ không phải hoa văn thêu.

Khi mặc váy họ thường bắt đầu quấn từ phía hông trái rồi quấn một vòng phần thừa gấp lại và gài vào bên hông phải. Loại váy này chỉ mặc trong các dịp cưới xin, lễ hội. Ngày thường họ mặc váy rất ít trang trí hoa văn.

Chuỗi hạt (Nhong ka long): Đồ trang sức của người Cơ-ho có nhiều loại vòng cổ, vòng tay, hoa tai... Ngoài những đồ trang sức bằng kim loại, nữ giới Cơ-ho còn sử dụng đồ trang sức bằng nhựa. Đồ trang sức bằng nhựa thường là những hạt màu da cam, vàng, xanh được xâu lại thành chuỗi hạt dài 98cm. Chuỗi hạt được nữ giới dân tộc Cơ-ho sử dụng trong các ngày lễ hội cổ truyền của dân tộc.

Tấm choàng (ùi nguếch): chiều dài khoảng 140cm, rộng khoảng 94cm: Tấm choàng là một bộ phận của bộ trang phục nữ giới dân tộc Cơ-ho, thường dùng trong các dịp lễ tết, cúng thần hoặc những ngày tiết trời giá lạnh. Tấm choàng có hình chữ nhật, nền màu xanh chàm, mỗi tấm có khoảng 26 đường thêu chỉ màu trắng chạy theo chiều dọc phân biệt với váy. Hai mép dọc và hai mép ngang được trang trí hoa văn các màu, trắng, xanh. Hai đầu tấm choàng có tua, hoa văn trang trí là hình con mọt, mắt sâu, choé rượu cần, lá nón, hoa trên ống đựng tên, toàn bộ hoa văn trên tấm choàng của nữ giới Cơ-ho là hoa văn được tạo bởi kỹ thuật dệt.

Khi sử dụng, tấm choàng được mở to quàng toàn bộ vào lưng, hai đầu bắt chéo về phía trước, tấm choàng sẽ phủ kín phần lưng và ngực của người sử dụng.

Trang phục của phụ nữ Cơ-ho thật độc đáo. Nhìn vào bộ trang phục có thể là dấu hiệu đầu tiên phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục là thành tố cần phải gìn giữ của mỗi dân tộc, cần được quan tâm và bảo tồn khi thành tố này đang ngày càng bị mai một.


Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Bố Y

Dân tộc Bố Y ở Việt Nam là một trong những dân tộc có số dân ít nhất trong nhóm Tày Thái. Bố Y chia làm hai nhóm có tên gọi chung: nhóm ỏ Quảng Bạ (Hà Giang) có tên gọi là Bố Y, nhóm cư trú ở Lào Cai mang tên là Tu Di. Trang phục phụ nữ dân tộc Bố Y trong khoảng một thế kỷ gần đây có nhiều biến đổi về kiểu dáng, chất liệu, cách mặc…
Khăn đội đầu (ba can) bằng vải nhuộm chàm, là loại khăn dài 300cm, chiều rộng 35cm. Hai đầu khăn được khâu vắt mép bằng chỉ màu ghi, cạnh mép khăn dùng chỉ màu khâu thưa để đường chỉ nổi rõ có tính chất trang trí cho khăn. Khi dùng, gập đôi khăn theo chiều dọc rồi quấn xung quanh đầu, đuôi khăn ngoài cũng có thể giắt hoặc buông.

Áo trong (pủ đy) là loại áo kiểu tứ thân mở ngực, có một chiếc cúc đồng cài giáp cổ. Hai vạt áo trước có hai túi nhỏ cân xứng nhau để đựng tiền và đồ. Cổ áo liền với nẹp ngực được đáp bằng vải chàm xanh, cổ tay áo đáp khoanh vải màu xanh rộng 10 cm, hai đầu khoanh vải xanh viền một đường vải trắng 1 cm. Áo trong (pủ đý) được coi là loại áo lâu đời nhất trong bộ y phục cổ truyền của phụ nữ Bố Y. Hiện nay áo “pủ đý” không sử dụng mà cất kỹ trong hòm, khi chủ nhân quá cố mặc sang thế giới bên kia.

Áo ngoài (pủ pấp) bằng vải thô nhuộm chàm dài 60 cm, rộng 55 cm (tùy người cụ thể có kích thước khác nhau). Áo may kiểu tứ thân không có cúc cài, chỉ có một đôi dây vải, một chiếc đính phía dưới vạt áo trái, một chiếc đính nơi xẻ tà nách bên phải, khi mặc áo chúng được buộc lại với nhau.

Cổ áo (vừa pủ) liền với nẹp ngực, được khâu táp hai miếng vải màu xanh nhạt, nẹp áo trước ngực bằng vải đỏ. Trên nẹp vải đỏ thêu hoa văn, đồng bào gọi là con rồng (lùng). Nẹp áo trước ngực bằng vải xanh lơ trên thêu hoa văn hình răng cưa (vùa lùng).

Tay áo liền với thân, ống tay rộng, có nẹp vải trắng bên trong, bên ngoài dùng vải màu khâu xa mũi tạo thành ba chấm liên tiếp để trang trí.

Váy to (vấn lậu) hay còn gọi là váy dài, váy bằng vải thô nhuộm chàm dài 85 cm, cạp váy rộng 35 cm, là loại váy mở khép mí, gồm ba phần cạp váy, thân váy, gấu váy. Cạp váy (roi vấn) bằng vải thô màu trắng, hai cạnh cạp có đính hai dây vải để buộc. Thân váy được gấp nếp mới đính vào cạp váy có độ xòe khá lớn. Gấu váy (pấn vấn) là mảnh vải được dệt bằng chỉ màu xanh, đỏ, tím, ghi, tạo thành những đường kẻ nhỏ khâu ghép vào thân váy, gấu váy cũng được gấp nếp như thân váy. Váy to dùng che trước bụng, loại váy này trước kia dùng trong các dịp lễ tết, hội hè, cưới xin. Hiện nay không dùng nữa, nó được cất kỹ để mặc vào lúc quá cố.

Váy nhỏ (vấn biên) bằng vải thô nhuộm chàm dài khoảng 50 cm, cạp váy rộng 30cm, gồm ba phần cạp váy, thân váy, gấu váy. Cạp váy (roi vấn) bằng vải thô nhuộm chàm màu xanh, hai cạnh cạp váy đính hai dây vải để buộc khi mặc. Thân váy (coóng vấn) được cấu tạo khác váy to. Phía giáp cạnh váy là một miếng vải chàm gấp nếp nhỏ sít vào nhau theo chiều dài của váy. Tiếp đến là mảnh vải sợi màu đỏ đồng bào gọi là "tục vấn", nằm giữa váy và cũng được gấp nếp theo chiều dài của váy. Dưới "tục vấn" là dải vải thô nhuộm chàm cũng được gấp nếp theo chiều dài của váy. Gấu váy (pấp vấn) liền với thân váy được khâu viền ở phía trong. Cách mặc váy truyền thống của phụ nữ Bố Y: trước hết đặt váy to vào giữa bụng và buộc dây sau lưng, sau đó đặt váy nhỏ vào giữa lưng và buộc dây trước bụng. Bộ váy truyền thống của phụ nữ Bố Y thực chất là hai mảnh vải xếp nếp khép lại, khi mặc tạo kẽ hở (váy hở) ở hai bên hông để đi lại dễ dàng.

Tạp dề (vẩy dao) bằng vải thô nhuộm chàm dài khoảng 115cm, rộng 80cm. Tạp dề được đeo ngoài áo và váy trong những dịp lễ tết, hội hè, cưới xin gồm hai phần: yếm che và dây đeo. Yếm che bằng vải chàm, giữa yếm có thêu họa tiết hoa văn hình con cua cách điệu. Dây đeo bằng vải chàm được đính hai bên cạnh nhỏ của tạp dề. Khi dùng buộc vòng qua cổ. Dây buộc sau lưng được đính trên hai cạnh to của tạp dề, khi dùng buộc thắt sau lưng.

Trang phục của phụ nữ Bố Y là nét văn hóa độc đáo trong 54 dân tộc Việt Nam. Trang phục tộc người đóng góp vai trò to lớn trong kho tàng văn hóa dân tộc, là niềm tự hào dân tộc, là đặc trưng văn hóa của mỗi tộc người cần được bảo tồn và gìn giữ phát huy theo tinh thần Nghị quyết V khóa VIII của Trung ương Đảng trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Dân tộc Phù Lá

Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ thuộc nhóm Tạng.

Gặp bạn
Trang phục:
Nam mặc quần, áo xẻ ngực, trên thân áo và ở nẹp ngực có đính hạt cườm hình chữ thập. Trang phục nữ có nhiều hoa văn, ngoài áo có yếm cổ vuông thêu hoa văn, đằng trước đính hạt cườm tạo thành đường song song hoặc sao tám cánh.

Dân tộc Pu Péo

Người Pu Péo chủ yếu sống bằng nghề làm nương và ruộng bậc thang, trồng ngô, lúa, mạch ba góc, đậu... Trong sản xuất, đồng bào dùng công cụ cày, bừa; dùng trâu, bò làm sức kéo. Lương thực chính trong bữa ăn thường ngày là bột ngô đồ chín.


Tên gọi khác: Ka Beo, Pen ti lô lô.

Nhóm ngôn ngữ: Ka đai.

Dân số: 400 người.

Cư trú: Sống tập trung ở vùng biên giới Việt - Trung thuộc các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang.

Hôn nhân gia đình: Mỗi dòng họ có hệ thống tên đệm riêng dùng đặt tên lần lượt cho các thế hệ kế tiếp nhau. Trai gái các họ kết hôn với nhau theo tập tục: Nếu con trai họ này đã lấy con gái họ kia, thì mãi mãi con trai họ kia không được lấy vợ người họ này. Nhiều người dân tộc khác cũng đã trở thành dâu, rể của các gia đình Pu Péo. Nhà trai cưới vợ cho con, sau lễ cưới con gái về nhà chồng. Con cái lấy họ theo cha và người cha, người chồng là chủ nhà.

Tục lệ ma chay: Nghi thức tang lể của người Pu Péo gồm lễ làm ma và lễ chay.

Văn hóa: Pu Péo là một trong số rất ít dân tộc hiện nay còn sử dụng trống đồng. Trước kia, trống được dùng phổ biến nhưng đến nay đồng bào chỉ dùng trong ngày lễ chay. Theo phong tục Pu Péo, có trống "đực", trống "cái" được ghép với nhau thành cặp đôi. Hai trống treo quay mặt vào nhau, một người đứng giữa cầm củ chuối gõ trống phục vụ lễ cúng.

Nhà cửa: Mặc dù hiện nay người Pu Páo nhà đất là chính. Nhưng đồng bào còn nhớ rất rõ là sau khi đến Việt Nam khá lâu hãy còn ở nhà sàn.

Nhà đất hiện nay rất giống nhà người Hoa cùng địa phương. Nhưng cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt có khác.

Bộ khung thường được làm bằng gỗ tốt, thường thuê thợ người Hán làm.

Điểm đáng chú ý là trong nhà của người Pu Péo còn có gác xép. Gác này là nơi để đồ đạc, lương thực... Khi nhà có thêm người thì các con trai, người già lên gác ngủ.

Trang phục: Có cá tính riêng trong chủng loại trong cách sử dụng và trang trí.

+ Trang phục nam: Hàng ngày họ mặc áo cánh ngắn loại xẻ ngực, màu chàm. Quần là loại lá tọa cùng màu. Trong dịp lễ, tết nam giới thường đội khăn chàm quấn theo lối chữ nhân, mặc áo dài xẻ nách phải, màu chàm hoặc trắng.

+ Trang phục nữ: Phụ nữ Pu Péo thường để tóc dài quấn quanh đầu, cài bằng lược gỗ, hoặc bên ngoài thường đội khăn vuông phủ lên tóc buộc thắt ra sau gáy. Trong ngày cưới cô dâu còn đội mũ xung quanh được trang trí hoa văn theo bố cục dải băng và đính các bông vải. Phụ nữ thường mặc hai áo: áo trong là chiếc áo ngắn cài cúc nách phải, màu chàm không trang trí hoa văn, có đường viền điểm xuyết ở cổ áo, áo ngoài là loại xẻ ngực, cổ và nẹp trước liền nhau, không cài cúc, ống tay áo, nẹp áo và gấu áo được trang trí hoa văn nhiều màu. Váy là loại dài đen, quanh gấu được trang trí hoa văn, hoặc có loại trang trí cả ở giữa thân váy. Phía ngoài váy còn có ''''yếm váy'''' (kiểu tạp dề). Đáng lưu ý chiếc thắt lưng dài màu trắng, hai đầu được trang trí hoa văn màu sặc sỡ trong bố cục hình thoi đậm đặc. Khi mặc váy, hai đầu thắt lưng buông dài xuống hết thân váy. Chị em ưa mang đồ trang sức vòng cổ, vòng tay, đi giày vải.

Dân tộc Cơ Lao

Ở Đồng Văn, người Cờ Lao làm nương, gieo trồng ngô ở hốc núi đá. Ơở Hoàng Su Phi, đồng bào làm ruộng nước và nương núi đất, trồng lúa là chính. Nghề thủ công phổ biến của đồng bào là đan lát và làm đồ gỗ, sản phẩm là phên, cót, nong, bồ, bàn ghế, yên ngựa v.v...


Tên gọi khác: Ke Lao.

Nhóm ngôn ngữ: Ka đai.

Dân số: 1.500 người.

Cư trú: Tập trung ở huyện Đồng Văn và Hoàng Su Phìn (tỉnh Hà Giang).

Tổ chức cộng đồng: Mỗi bản người Cờ Lao có khoảng 15-20 nhà. Mỗi nhà là một gia đình nhỏ gồm vợ chồng và con cái, con trai có vợ ít khi ở chung với bố mẹ. Mỗi nhóm Cờ Lao có một số họ nhất định. Các con đều theo họ cha.

Hôn nhân gia đình: Theo phong tục con trai cô được lấy con gái cậu. Phụ nữ Cờ Lao khi mang thai thường kiêng cữ cẩn thận để sinh đẻdễ, con khỏe mạnh. Ơở vùng Đồng Văn, người Cơ Lao đốt nhau của đứa trẻ sơ sinh thành than rồi đem bỏ vào hốc đá trên rừng, tránh để cho chó hay lợn giẫm vào. Đứa trẻ sinh ra được 3 ngày 3 đêm (nếu là con trai), 2 ngày 3 đêm (nếu là con gái), thì bố mẹ làm lễ đặt tên cho con. Đứa con đầu lòng được bà ngoại đặt tên cho. Người Cờ Lao chết đi được làm lễ chôn cất và lễ chay. Người Cờ Lao có tục khi chôn cất thì xếp đá thành từng vòng quanh mộ (mỗi vòng đá tương ứng với 10 tuổi của người chết), rồi lấp đất kín những vòng đá ấy.

Văn hóa: Hàng năm người Cơ Lao có những ngày lễ, tết theo âm lịch như 3 tháng 3, 5 tháng 5, 15 tháng 7, 9 tháng 9 v.v... và tết Nguyên đán là lớn nhất.

Nhà cửa: Người Cơ Lao ở nhà đất thường ba gian hai chái. Mái lợp tranh. Ơở Hoàng Su Phì đôi khi người ta lợp bằng những máng nứa theo kiểu lợp ngói âm dương. Vách đan bằng nứa, có khi người ta đan bằng những cây gỗ nhỏ...

Trang phục: Cá tính trang phục không rõ ràng chịu ảnh hưởng của trang phục (hay gần gũi) với cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái như (Tày, Nùng Giáy...) về kỹ thuật và phong cách mỹ thuật.

+ Trang phục nam: Đàn ông Cờ Lao mặc quần như nhiều dân tộc vùng biên giới phía Bắc.

+ Trang phục nữ: Phụ nữ Cờ Lao mặc quần, áo dài 5 thân cài nách, dài quá đầu gối, được trang trí bằng nhiều miếng vải khác màu khâu đáp lên ngực áo từ giữa ngực sang nách phải, theo mép xẻ.

Dân tộc Pà Thẻn

Cộng đồng Pà Thẻn chủ yếu sinh sống ở một số xã của Hà Giang và một số ở Tuyên Quang. Họ thường làm nhà sàn hoặc nhà nền đất, các bản làng tụ họp bên sườn núi thấp hoặc thung lũng, sinh sống bằng nghề làm nương rẫy. Sinh hoạt văn hóa dân gian của dân tộc Pà Thẻn khá phong phú, thể hiện qua những truyện cổ tích, các làn điệu dân ca, hát ru, các điệu nhảy múa, các loại nhạc cụ (khèn bè, đàn tầy nhậy, sáo trúc...).


Tên gọi khác: Pá Hưng, Tống.

Nhóm ngôn ngữ
: Mèo - Dao.

Dân số: 3.700 người.

Cư trú
: Tập trung ở một số xã của tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang.

Đặc điểm kinh tế: Người Pà Thẻn sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy. Lúa, ngô là cây lương thực chính.

Tổ chức cộng đồng
: Các bản của người Pà Thẻn thường tập trung ven suối, thung Lũng hoặc triền núi thấp. Có làng đông tới 30-40 nóc nhà.

Hôn nhân gia đình
: Dân tộc Pà Thẻn có nhiều dòng họ. Những người cùng họ coi nhau như những người thân thích có chung một tổ tiên, không được lấy nhau. Người Pà Thẻn có tục ở rể tạm thời, nếu gia đình không có con trai mới lấy rể về ở hẳn. Người ở rể phải thờ ma họ vợ, con cái một nữa theo họ bố, một nữa theo họ mẹ.

Văn hóa
: Sinh hoạt văn hóa dân gian của dân tộc Pà Thẻn khá phong phú, thể hiện qua tàng truyện cổ tích, các làn điệu dân ca, hát ru, các điệu nhảy múa, các loại nhạc cụ (khèn bè, đàn tầy nhậy, sáo trúc...).

+ Nam
thường mặc áo quần màu chàm. Đó là loại áo cánh ngắn xẻ ngực, quần lá tọa, giống phong cách trang phục các dân tộc Tày,...

+ Trang phục nữ: Phụ nữ Pà thẻn đội khăn màu chàm quấn thành nhiều vòng trên đầu. Đó là lối đội khăn chữ nhất quấn thành mái xòe rộng như mũ, hoặc lối đội khăn hình chữ nhân giản đơn hơn cũng tạo thành mái nhô ra hai bên mang tai. Áo có hai loại cơ bản là áo ngắn và áo dài. Áo ngắn xẻ ngực, cổ thấp, màu chàm, cổ làm liền với hai vạt trước. Áo này thường mặc với váy rộng nhiều nếp gấp, màu chàm. Áo dài là loại xẻ ngực, có thể gọi là áo lửng, cổ thấp liền hai vạt trước, khi mặc vạt phải đè chéo lên vạt trái, phía dưới của vạt phải nhọn xuống tạo thành vạt chínhcủa thân trước. Ống tay và toàn bộ thân áo được trang trí với lối dùng màu nóng sặc sỡ. Áo này mặc với váy hở dệt thuê hoa văn đa dạng (hình thập ngoặc, hình quả trám...). Giữa eo thân áo được thắt dây lưng là loại được dệt thêu hoa văn. Phụ nữ ưa mang nhiều đồ trang sức vòng cổ, vòng tay, ... Cùng với áo và váy, phụ nữ có một loại áo vừa giống cái yếm vừa giống tạp dề. Nó được mang như mang tạp dề nhưng không có công dụng như tạp dề. Màu sắc chủ yếu trên phụ nữ là đỏ, đen, trắng. Hoa văn chủ yếu được tạo ra bằng dệt.

Khôi phục trang phục truyền thống của dân tộc Châu

Ngày nay, trang phục của người dân tộc Châu Ro lúc đi làm, lúc sinh hoạt thường ngày hoàn toàn giống với trang phục của người Kinh. Nhưng khi đi học, khi tham gia lễ hội, Tết đến hoặc khi biểu diễn nghệ thuật… người dân tộc Châu Ro lại “diện” những bộ trang phục truyền thống được làm nên từ thổ cẩm với nét đẹp riêng.

Vẻ đẹp trang phục dân tộc Gia Rai


Thiếu nữ Gia Rai trong trang phục dân tộc

Nói đến dân tộc Gia Rai phải kể đến những trường ca, truyện cổ nổi tiếng như "Đăm Di đi săn", "Xinh Nhã"... Dân tộc Gia Rai cũng độc đáo trong nghệ thuật chơi chiêng, cồng, cạnh đó là đàn Trưng, đàn Tưng-nưng, đàm Krông-pút. Những nhạc cụ truyền thống này gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào. Người Gia Rai hầu như hát múa từ tuổi nhi đồng cho đến khi già yếu, không còn đủ sức nữa, mới chịu đứng ngoài những cuộc nhảy múa nhân dịp lễ hội tổ chức trong làng hay trong gia đình.Và đặc biêt trang phục của họ có những nét riêng trong phong cách tạo hình và trang trí hoa văn. Mặc dù hoa văn trang trí cụ thể các nhóm khác nhau nhưng có thông số chung của tộc người.

Thường nhật, nam đội khăn, theo lối quấn nhiều vòng trên đầu rồi buông sang một bên tai, hoặc quấn gọn ghẽ như khăn xếp của người Kinh. Khăn màu chàm. Nhìn chung nam giới Gia Rai đóng khố. Khố này thường ngắn hơn khố ngày hội, là loại vải trắng có kẻ sọc. Ngày lễ họ mang khố màu chàm (dài 410 cm x 29 cm), khố loại này được trang trí hoa văn màu trắng, đỏ thành các đường viền ở mép khố, đặc biệt hai đầu với các tua trên nền chàm. Có nhóm ở trần, có nhóm mang áo (loại cộc tay và loại dài tay màu chàm, khoét cổ chui đầu). Loại ngắn tay thường có đường viền chỉ màu trắng bên sườn. Loại dài tay giống phong cách áo dài nam Ê-đê hay Mnông.

Phụ nữ để tóc dài búi sau gáy hoặc quấn gọn trên đỉnh đầu. Áo là loại áo ngắn, chui đầu, phổ biến là kiểu chui đầu cổ "hình thuyền", riêng nhóm Gia Rai Mthur lại có kiểu cổ thấp hình chữ V và các loại cổ phổ biến. Trên nền chàm áo được trang trí các sọc hoa văn theo bố cục ngang thân áo ở cổ, vai, ống tay, giữa ngực, gấu áo và hai cổ tay áo. Đó là các sọc màu đỏ xen trắng và vàng trên nền chàm hoặc màu xanh nhạt diệp và màu chàm. Váy là loại váy hở quấn vào thân (kích thước trên dưới 140 cm x 100 cm). Phong cách trang trí trên váy cũng thiên về lối bố cục ngang với các đường sọc màu (như áo là chính). Có nhóm ở Plây-cu với nguyên tắc trên nhưng được mở rộng thành các mảng hoa văn ở giữa thân váy, nửa thân dưới áo và hai ống tay. Trang sức có vòng cổ, vòng tay.

Trang phục dân tộc Mạ, Lâm Đồng

Người Mạ sống tập trung chủ yếu ở Lâm Đồng. Trang phục của họ có cá tính riêng về tạo hình áo nữ, đặc biệt là phong cách thẩm mỹ. Mùa làm nông, nhiều người ở trần, mùa rét choàng tấm mền. Dân tộc Mạ có tục cà răng, căng tai, đeo nhiều vòng trang sức.


Trang phục nam

Đàn ông Mạ thường để tóc dài búi sau gáy, ở trần, đóng khố. Khố cũng có nhiều loại khác nhau về kích thước và hoa văn trang trí. Loại khố trang trọng có đính hạt cườm, tua dài. Bên cạnh đó họ còn mặc áo chui đầu, xẻ tà, vạt sau dài hơn vạt trước che kín mông. Áo có các loại : dài tay, ngắn tay và cộc tay. Thủ lĩnh búi tóc cắm lông chim có bộ khiên giáo kèm theo.

Trang phục nữ

Phụ nữ để tóc dài búi sau gáy. Xưa họ ở trần mặc váy, có bộ phận mặc áo chui đầu. Áo nữ mặc vừa sát thân, dài tới thắt lưng, không xẻ tà, vạt trước và sau áo bằng nhau; cổ áo tròn thấp. Tổng thể áo chỉ là hình chữ nhật màu trắng. Nửa thân dưới áo trước và sau lưng được trang trí hoa văn các màu đỏ, xanh là chính trong bố cục dải băng ngang thân với các mô típ hoa văn hình học là chủ yếu. Chiều dọc hai bên mép áo được dệt viền các sọc trang trí. Váy là loại váy hở được dệt trang trí hoa văn với những phong cách bố cục đa dạng. Về cơ bản là các sọc : màu xanh, đỏ, vàng, trắng trên nền chàm chủ yếu là hoa văn hình học theo nguyên tắc bố cục dải băng ngang truyền thống. Có trường hợp nửa trên váy dệt trang trí hoa văn kín trên nền sáng (trắng) với hoa văn hình học màu đỏ xanh. Nam nữ thường thích mang vòng đồng hồ ở cổ tay có những ngấn khắc chìm - ký hiệu các lễ hiến sinh tế thần cầu mát cho chủ nhân nó. Nam nữ đều đeo hoa tai cỡ lớn bằng đồng, gà voi, gỗ; cổ đeo hạt cườm. Phụ nữ còn mang vòng chân đồng nhiều vòng xoắn

Trang phục dân tộc về Đồng Mô tụ hội

Trong 2 ngày, 29 đoàn đến từ 29 tỉnh đã cống hiến cho khán giả những tiết mục văn hóa văn nghệ độc đáo và đặc sắc nhất, mang đặc trưng của 54 nền văn hóa. Bên cạnh đó, các đoàn còn mang đến Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam những trang phục của các dân tộc mình.

Những bộ trang phục độc đáo của 54 dân tộc dù được trình diễn bởi các “người mẫu” nghiệp dư nhưng vẫn đầy quyến rũ và mê hoặc. Trang phục của người Dao, người Mông ở miền núi phía Bắc sặc sỡ, trang phục của dân tộc Thái, dân tộc Tày kín đáo, màu sắc đơn giản nhưng không kém phần hấp dẫn. Trang phục của các dân tộc Tây Nguyên giản dị nhưng khoe được nước da đen bóng, khỏe mạnh của những chàng trai, cô gái Tây Nguyên. Trang phục của người Chăm, người Hoa rực rỡ màu sắc của cái nắng phương Nam. Tất cả tạo nên một không khí rực rỡ sắc màu cho Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Dưới tiết trời nắng nóng, sân khấu không có mái che nhưng các chàng trai, cô gái đến từ núi rừng Tây Bắc vẫn tươi cười khi trình diễn trang phục của dân tộc mình. Không phải là người mẫu chuyên nghiệp, nhưng sự mộc mạc đã làm nên sức hấp dẫn cho màn trình diễn của họ. Những giọt mồ hôi đổ xuống được nhận lại bằng những tràng pháo tay cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả. Sức hấp dẫn của sân khấu biểu diễn dân vũ, dân ca, và trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam đã kéo nhiều khản giả đứng nhiều giờ để chiêm ngưỡng.

Phụ nữ Thái đen và Thái trắng của tỉnh Sơn La thướt tha trong trang phục truyền thống.

Trang phục cưới của người Khơ Me sống ở tỉnh Sóc Trăng.

Chàng trai, cô gái người dân tộc Lô Lô rực rỡ trong trang phục truyền thống.

Thiếu nữ H’ Mông trình diễn.

Thiếu nữ Tày, tỉnh Bắc Kạn duyên dáng với cây đàn Tính

Trang phục dân tộc Lự (Si La), tỉnh Lai Châu.

Thiếu nữ Dao đỏ trình diễn trang phục

Trang phục của phụ nữ người Dao (Si La) tỉnh Lai Châu

Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở Hà Giang

Cùng là người Dao Dỏ nhưng ở mỗi vùng thuộc Hà Giang người Dao Đỏ lại có những trang phục riêng mang đặc trưng văn hoá của dân tộc mình. Sự khác biệt giữa trang phục của người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì và người Dao Đỏ ở Quản Bạ...càng làm phong phú thêm sắc màu văn hoá trang phục của các dân tộc ở Hà Giang.

Trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì

So với người Dao Đỏ ở Quảng Bạ thì người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì hầu như vẫn giữ được nguyên vẹn bộ trang phục cổ truyền bao gồm khăn đội đầu, áo dài, áo con, dây lưng, xà cạp và đồ trang sức bằng bạc.

Khăn đội đầu của người Dao Đỏ ở đây thường có hai loại, khăn vấn bên trong và khăn phủ bên ngoài. Khăn vấn bên trong thường là màu chàm hoặc đen, dài khoảng 155cm, rộng 12cm. Toàn bộ mặt khăn được thêu kín các hoạ tiết trang trí bằng chỉ màu trắng, xanh lơ và màu đỏ. Hai đầu khăn đính nhiều chuỗi hạt cườm và có tua dài màu đỏ. Khăn được gấp đôi theo chiều dọc, hai mép khăn khâu lại với nhau thành một cái ống. Khi đội người ta cuộn nhiều vòng quanh đầu, thường từ hai đến ba khăn nối nhau thành một cái vành rộng.

Khăn phủ bên ngoài thường cũng làm bằng vải chàm màu đen, dài 18cm, rộng 23 cm. Hai đầu khăn thêu hoa văn trang trí bằng chỉ màu giống như khăn vấn bên trong. Khi đội, khăn này phủ bên ngoài vành khăn bên trong, hai đầu khăn đỏ về phía sau vai.

Cùng với chiếc khăn, trong trang phục của người Dao Đỏ quan trọng nhất là chiếc áo dài. Theo phong tục, phụ nữ Dao Đỏ ở đây không mặc áo ngắn mà chỉ mặc áo dài. Áo tứ thân màu chàm hoặc đen, không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân. Nẹp cổ liền với nẹp ngực được thêu kín các hoạ tiết trang trí bằng chỉ màu đỏ. Hai đầu của nẹp ngực đính nhiều chuỗi hạt cườm và tua đỏ như nẹp ngực. Cửa tay áo, nẹp xung quanh tà áo trước và sau đều được thêu bằng chỉ màu đỏ và trắng. Riêng ở gấu vạt trước và sau người ta thêu hai nẹp tách rời nhau, trông xa như hai áo mặc lồng nhau, áo ngoài ngắn hơn áo trong. Bên trong của chiếc áo dài, phụ nữ Dao Đỏ còn mặc áo con, gọi là lui ton, giống như cái yếm, mặc bên trong che kín cả ngực và bụng, cổ tròn mở sau gáy, có nẹp cổ dài hình chữ nhật, từ cổ xuống nửa thân áo đều bằng vải đỏ và có những đường thêu bằng chỉ trắng và vàng. Khoảng giữa thân áo mỗi bên đính một dải vải nhỏ để làm dây buộc ra phía sau lưng.

Góp phần trang trí thêm cho chiếc áo dài còn có dây lưng. Áo người Dao Đỏ không có khuy nên khi mặc người ta vắt chéo thân bên này đè lên thân bên kia rồi buộc dây lưng ra ngoài. Dây lưng bằng vải đỏ và không có hoa văn trang trí.

Quần của phụ nữ Dao Đỏ luôn cùng màu với áo là màu chàm hoặc đen, được cắt theo kiểu chân què, cạp lá toạ. Gấu của ống quần có một vài đường thêu bằng chỉ màu trắng, đỏ và vàng.

Cùng với chiếc quần là xà cạp. Xà cạp bằng vải màu trắng. Một đầu được thêu nhiều hoạ tiết khác nhau bằng chỉ màu đen. Cùng với xà cạp là dây buộc có tua dài màu đỏ.

Nếu như trang phục của phụ nữ Dao Đỏ cầu kì bao nhiều thì trang phục của nam người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì lại rất đơn giản, chỉ có khăn đội đầu, áo ngắn và quần.

Khăn đội đầu của nam giới thường làm bằng vải thô màu chàm hoặc đen, khi đội được gắp làm tư theo chiều dọc rồi cuốn lên đầu nhiều vòng, vòn đầu thừa gài vào bên trong vành khăn.

Áo ngắn cũng màu chàm hoặc đen, cổ tròn, mở ngực, không khoét nách, tay đấu thẳng vào thân. Nẹp ngực, gấu của hai thân trước và sau đều được thêu bằng chỉ màu đỏ, trắng và vàng. Nẹp áo thân bên trái còn đính thêm một miếng vải màu đỏ hình chữ nhật dài từ thân cổ áo xuống quá chỗ xẻ tà. Miếng vải này được thêu kín các hoạ tiết hoa văn bằng chỉ đỏ, trắng và vàng. Người Dao Đỏ thường gọi miếng vải đó là lùi kệm.

Quần của nam giới cũng cùng màu với áo, cắt theo kiểu chân què, cạp lá toạ giống như quần của nữ, chỉ khác là dưới gấy chân quần của nam không thêu chỉ màu như nữ.

Trang phục Dao đỏ ở Quản Bạ

Bộ trang phục truyền thống của người Dao Đỏ ở Quảng Bạ có nhiều nét khác biệt với người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì đặc biệt là về trang phục của nữ giới.

Áo dài của phụ nữ Dao Đỏ Quản Bạ cũng màu chàm hoặc đen nhưng tay áo gồm nhiều khoanh vải khác nhau mà chủ yếu là vải hoa được can lại với nhau giống như tay áo của phụ nữ Hmông. trên áo của phụ nữ Dao Đỏ ở đây còn thêm cái tạp dề giống như tạp dề của người Hmông. Cái giống duy nhất và làm cho người ta nhận ra người Dao Đỏ ở đây chính là nẹp ngực áo được trang trí giống như nẹp ngực áo của người Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì.

Áo con của phụ nữ Dao Đỏ ở đây cũng khác, chỉ bằng một nửa áo con của phụ nữ Dao Đỏ ở Hoàng Su Phì. Nó cũng không được thêu hoạ tiết gì mà được ghép bằng nhiều dải vải nhỏ khác màu. Trên cổ áo và trên băng vải ở giữa áo được đính nhiều mảnh bạc hình sao.

Trang phục của nam giới người Dao Đỏ thường không thống nhất và khác xa với trang phục nam giới người Dao Đỏ ở Hoàng Su phì, chỉ giống ở chiếc mũ đội đầu nhưng cách đội của những nam giới ở đây cũng khác hẳn.

Sắc màu trang phục Lào



(LĐCT) - Vẫn những hoa văn đậm hồn dân tộc, những sắc màu ấm áp, nhiều bộ trang phục phụ nữ Lào ngày nay được cách tân, tạo dáng theo đường nét hiện đại trẻ trung hơn.

Điều đó đã được thể hiện trong đêm khai mạc Tuần lễ văn hoá Lào tại Việt Nam vừa qua.
Có thể nói, trên mỗi trang phục, những nhà thiết kế đã tạo được nét duyên đằm thắm mà hiện đại qua những đường cắt cúp, uốn lượn tạo đường cong tôn lên vẻ đẹp người phụ nữ Lào ngày nay.

Cũng trên nền những chất liệu truyền thống: Lụa, thổ cẩm, caffta,... những mẫu hoa văn được thêu thùa khéo léo chạy viền, kết hợp những chiếc khuy, cúc bằng bạc trắng tạo điểm nhấn, nét duyên cho người mang chúng. Qua bộ sưu tập này, người xem cảm nhận được một phần nét đẹp kế thừa tinh hoa văn hoá của dân tộc từ quốc gia Triệu Voi.



Vẻ đẹp trang phục dân tộc Gia Rai ở vùng núi Tây Nguyên

Ve dep trang phuc dan toc Gia Rai o vung nui Tay Nguyen Nói đến dân tộc Gia Rai phải kể đến những trường ca, truyện cổ nổi tiếng như "Đăm Di đi săn", "Xinh Nhã"... Dân tộc Gia Rai cũng độc đáo trong nghệ thuật chơi chiêng, cồng, cạnh đó là đàn Trưng, đàn Tưng-nưng, đàm Krông-pút. Những nhạc cụ truyền thống này gắn liền với đời sống tinh thần của đồng bào. Chi tiết

Trang phục của người Si La

Trang phục của người Si La

Trang phục của người Si La

Si La là một trong các dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống ở Mường Nhé (Điện Biên) và Mường Tè (Lai Châu). Trang phục của người Si La mang nhiều nét riêng của tộc người, ngoài chức năng bảo vệ cơ thể về mặt sinh học còn có chức năng về xã hội, về giới tính và thẩm mỹ rất rõ nét. Đặc biệt là bộ trang phục của nữ giới phản ánh rất rõ những đặc trưng của lứa tuổi cũng như tình trạng hôn nhân gia đình.

Cũng như một số dân tộc anh em sinh sống trong vùng, trang phục của nam giới Si La cùng mặc quần ống chân què, áo cánh xẻ ngực, cài cúc, cổ đứng, có 2 hoặc 3 túi, màu chàm xanh. Tuy nhiên điều khác giữa đàn ông Si La với đàn ông các dân tộc khác là nhờ ở chiếc khăn đội đầu. Nam giới Si La bao giờ cũng đội khăn trắng, quấn khăn đầu rìu như nam giới Kinh xưa kia. Ngày nay, nam giới Si La đều ăn vận âu phục, bộ nam phục truyền thống đang dần bị chối bỏ, chỉ còn số ít người lưu giữ được và họ cũng chỉ mặc rất ít mỗi khi có dịp đặc biệt như lễ tết, cưới xin.

Khác với nam giới, phụ nữ Si La vẫn giữ được nét độc đáo truyền thống trong bộ trang phục của dân tộc mình. Bộ trang phục nữ giới gồm có váy, áo, dây lưng và khăn đội đầu.
Váy (Tồ Bi): Phụ nữ Si La mặc váy kín, dài đến mắt cá chân, màu đen. Khác với phụ nữ Thái, phụ nữ Si La khi mặc váy cũng quấn nhưng giắt váy về phía sau. Có lẽ do điểm khác này mà dân tộc Si La xưa kia còn được người Thái gọi là Khả Pẻ - người mặc váy quấn ra đằng sau. Mỗi chiếc váy có hai phần gồm cạp và thân váy.

Áo (Pi Khồ): Phụ nữ Si La mặc áo hơi bó thân, màu chàm, cài cúc bên nách phải, khác với áo nam, cổ áo nữ không may đứng mà chỉ viền theo mép vải nên luôn bám sát với da người mặc. Cổ áo, tay áo và gấu áo đều được viền hoặc may những khoanh vải khác màu, những đường viền này khiến cho bộ trang phục trở nên mềm mại, sinh động hơn. Nét độc đáo của chiếc áo nữ Si La lại chính là phần trang trí trên thân áo trước. Thân áo trước được tạo bởi một miếng vải có hình thang cân. Trên đó được đính 72 đồng xu bạc thành 9 hàng ngang. Giữa các hàng xu bạc trang trí các đường văn kẻ bằng chỉ đỏ.

Khăn đội đầu (Ty đa ì xù): Đối với phụ nữ Si La, chiếc khăn đội đầu cũng là một bộ phận không thể thiếu được, nó có liên quan đến lứa tuổi và tình trạng hôn nhân. Khăn của người phụ nữ gồm có hai loại: Khăn trắng và khăn đen.

Khăn trắng: Thông thường các thiếu nữ bắt đầu đội khăn ở độ tuổi 13 – 14 tuổi, khi mà những đặc điểm sinh học của giới tính bắt đầu xuất hiện trên cơ thể. Khăn làm bằng tấm vải trắng hình chữ nhật, dài chừng 80 cm, rộng 20 cm, trên nền có thêu hoa văn tạo thành những ô vuông lớn bằng chỉ đỏ.

Khăn đen: Ngay sau khi về nhà chồng, các cô gái Si La phải rời bỏ chiếc khăn trắng để đội khăn đen và chiếc khăn đen sẽ theo họ suốt đời cho đến lúc chết. Nghi thức đội khăn đen được thực hiện ngay trong ngày cưới do người mẹ chồng hoặc các bà cô chồng bố trí sắp đặt.
Trang phục của người Si La ngoài sự phân biệt về tộc người, giới tính, lứa tuổi, hôn nhân ra, bộ trang phục của họ không thấy thể hiện có sự phân biệt nào khác.

Trang phục của người Nùng An

Trang phục của người Nùng An

Nét đẹp phụ nữ Nùng

Trong truyền thống văn hoá vật chất của người Nùng An ở Phúc Sen, điều đáng chú ý là việc giữ gìn, bảo lưu bộ trang phục dân tộc truyền thống. Giống như các dân tộc Tày, Nùng khác, trang phục của người Nùng An rất giản dị và chân phương, được cắt may đơn giản nhưng cẩn thận từ loại vải chàm do họ tự tay làm nên. Điều đáng nói là hiện nay người dân PhyaChang vẫn thường xuyên mặc những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Họ mặc trang phục truyền thống trong tất cả mọi việc như đi làm, đi học, đi chợ hay trong những ngày lễ hội, và từ người già đến con trẻ, từ phụ nữ đến nam giới đều mặc trang phục chàm. Cả những con em người Nùng An dù công tác ở đâu, ở bất kỳ cương vị nào khi họ về đến bản đều mặc những bộ trang phục này rồi mới đi chơi, thăm hỏi họ hàng, làng xóm hay đi làm nương rẫy giúp gia đình.

Trang phục của người Nùng An có phân biệt theo lứa tuổi và giới tính, rất phong phú về chủng loại. Trang phục nam gồm có áo, quần, thắt lưng, khăn đội đầu, túi vải thêu, đồ trang sức bằng bạc… Quần áo trẻ em ở đây cũng có điểm khác biệt so với các nhóm Nùng khác gồm áo, quần và mũ đội đầu, trong đó chiếc mũ được trang trí khá cầu kỳ với những hoa văn họa tiết sặc sỡ, đẹp mắt… Khi đứa trẻ mới lọt lòng, người ta quấn nó bằng quần áo cũ của bố mẹ vì theo quan niệm của họ là trẻ mới sinh ra không nên cho trẻ mặc đồ mới, lớn lên chúng hay đua đòi, và quần áo cũ thì vải đã mềm, thoáng rất tốt cho trẻ nhỏ. Khi đứa trẻ được một, hai tuổi người ta cắt quần áo đơn giản theo một kiểu chung không phân biệt nam nữ. Đến lúc chúng lên 9 – 10 tuổi, người mẹ bắt đầu cắt may quần áo phân biệt nam nữ cho con. Độ tuổi này các bé gái bắt đầu mặc quần áo và quấn đầu đội khăn như người lớn.
Đồ trang sức của người Nùng An chủ yếu bằng bạc trắng. Nam giới thường đeo vòng tay bằng bạc, nhẫn bạc, phụ nữ đeo khuyên tai, kiềng cổ, vòng tay, nhẫn và đeo bộ xà tích ở ngang lưng. Theo quan niệm của người Nùng An thì bạc trắng không chỉ tôn thêm vẻ đẹp của con người, kết hợp với việc phô trương sự giàu có mà còn có ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho họ. Bởi lẽ khi nhìn vào đồ trang sức bằng bạc, người ta có thể đoán biết được sức khoẻ của người đeo nó, nếu khỏe mạnh thì đồ trang sức vẫn trắng, sáng, nếu yếu, mệt hay có bệnh thì bạc bị thâm lại, màu xỉn, không sáng trắng nữa. Chính vì thế khi bị ốm, cảm người ta vẫn thường dùng đồng bạc trắng để đánh gió.

10 trang phục truyền thống đẹp nhất

Rực rỡ, lộng lẫy với nhiều màu sắc là điểm nổi bật của 80 trang phục truyền thống, trình diễn trong buổi tối 21/6 tại nhà hát Lion, Bình Dương. Ban giám khảo đã chọn ra 10 mẫu xuất sắc để trao giải ngay trong đêm.

Lấy ý tưởng thiết kế từ thơ, ca, nhạc, họa, màu cờ sắc áo hay các nhân vật, truyền thuyết, địa danh, các chi tiết đặc sắc của loài thực vật, động vật... của quốc gia, vùng lãnh thổ, 80 bộ trang phục truyền thống nói lên tinh thần tự hào dân tộc, niềm yêu mến mà con người dành cho những gì đặc sắc của quê hương mình. Sự đa dạng về kiểu dáng, rực rỡ bởi kết hợp nhiều màu sắc, cùng các chi tiết cầu kỳ, khéo léo khiến các bộ trang phục truyền thống thu hút khán giả ngay từ những màn trình diễn đầu tiên.

Không khí trở nên sôi nổi và nóng hơn khi các người đẹp kết hợp các vũ điệu, thế võ hay uyển chuyển tạo dáng theo đúng tinh thần, cấu trúc và tinh thần của bộ trang phục. Màn trình diễn múa kiếm của Hoa hậu Hàn Quốc, đánh võ của Hoa hậu Thái Lan, tạo dáng hạc bay uyển chuyển của Hoa hậu Việt Nam hay động tác mỹ nhân ngư lượn trên sóng biển của Hoa hậu Đan Mạch... nhận được sự tán thưởng từ khán giả tại khán phòng nhà hát Lion.

Chính vì sự lộng lẫy và độc đáo của 80 bộ trang phục đã gần như tập trung mọi chú ý của khán giả, nên nhiều sơ suất của đêm diễn được bỏ qua như: phần vấp váp của MC hay âm thanh hỏng và rè khi một vài thí sinh đang trình diễn... Ngoài ra, sự xuất hiện của giọng hát Nathan Lee cũng gây bất ngờ cho hầu hết khán giả, bởi theo thông báo từ ban tổ chức từ đầu, chỉ có ca sĩ Phương Vy là khách mời của đêm diễn. Tuy nhiên cô thể hiện ca khúc Tôi yêu của Phương Uyên lại khá đơn điệu khi không được hỗ trợ từ bất kỳ nhóm múa nào.

Cuối chương trình, Ban giám khảo đã công bố 10 trang phục truyền thống xuất sắc nhất cho Hoa hậu đến từ các nước: Albania, Colombia, Cộng hòa Dominca, Ấn Độ, Kosova, Mexico, Peru, Nam Phi, Venezuela và Việt Nam. Trị giá giải thưởng cho mỗi người đẹp là một chiếc điện thoại di động cao cấp Samsung Armani giá 15 triệu đồng.

10 bộ trang phục đẹp nhất đêm trình diễn:

Hoa hậu 19 tuổi Albania Matilda Mcini mặc trang phục truyền thống được thiết kế bằng các màu cờ quốc gia, mô phỏng cách tân bộ trang phục gốc của vị anh hùng dân tộc Skanderbeg.
Hoa hậu 19 tuổi Albania Matilda Mcini mặc trang phục truyền thống được thiết kế bằng các màu cờ quốc gia, mô phỏng cách tân bộ trang phục gốc của vị anh hùng dân tộc Skanderbeg.
Điểm thu hút của trang phục mặc trên người Hoa hậu Colombia Talkiana Vargas là chuỗi hạt chaquira và nhiều màu sắc sặc sỡ. Bộ đầm được may thủ công.
Điểm thu hút của trang phục mặc trên người Hoa hậu Colombia Talkiana Vargas là chuỗi hạt chaquira và nhiều màu sắc sặc sỡ được làm thủ công.
Trang phục của Hoa hậu Công hòa Dominica Marianne Cruz lấy cảm hứng từ một bóng chày, môn thể thao thịnh hành nhất của đất nước. Các màu sắc được sử dụng cũng lấy từ màu của quốc kỳ.
Trang phục của Hoa hậu Cộng hòa Dominica Marianne Cruz lấy cảm hứng từ một bóng chày, môn thể thao thịnh hành nhất của đất nước. Các màu sắc được sử dụng cũng lấy từ màu của quốc kỳ.
Mang niềm tự hào về ngành dệt của Ấn Độ, Hoa hậu Simran Kaur Mundi chọn trang phục bằng lụa, với kiểu thiết kế hoa văn Farukhabad.
Mang niềm tự hào về ngành dệt của Ấn Độ, Hoa hậu Simran Kaur Mundi chọn trang phục bằng lụa, với kiểu thiết kế hoa văn Farukhabad.
Đây là chiếc áo đầm cưới theo truyền thống của đất nước Kosava. Áo choàng làm từ nhung kết hợp các chi tiết ren thêu các loại cây cỏ làm tăng vẻ quý phái của Hoa hậu Zana Krasniqi.
Đây là chiếc áo đầm cưới theo truyền thống của đất nước Kosova. Áo choàng làm từ nhung kết hợp các chi tiết ren thêu các loại cây cỏ làm tăng vẻ quý phái của Hoa hậu Zana Krasniqi.
Trang phục dân tộc của Hoa hậu Mexico 21 tuổi Elisa Najera lấy cảm hứng từ Chichen Itza – một ngôi đền cổ của văn hóa Maya.
Trang phục dân tộc của Hoa hậu Mexico 21 tuổi Elisa Najera lấy cảm hứng từ Chichen Itza, một ngôi đền cổ của văn hóa Maya.
Hoa hậu Peru 18 tuổi Karol Castillo mặc trang phục dân tộc tiêu biểu của người bản địa Peru. Loại trang phục này thường được mặc trong các vũ hội đặc biệt để bày tỏ lòng tôn kính đối với một trong Bảy kỳ quan của thế giới.
Hoa hậu Peru 18 tuổi Karol Castillo mặc trang phục dân tộc tiêu biểu của người bản địa Peru. Loại trang phục này thường được mặc trong các vũ hội đặc biệt để bày tỏ lòng tôn kính đối với một trong bảy kỳ quan của thế giới.
Trang phục truyền thống của Hoa hậu Nam Phi 23 tuổi Tansey Coetzee với các màu lam, lục và vàng, làm từ tơ sồi và được gắn lông chim công trống và đà điểu Châu Phi. Ngoài ra thân áo còn có được trang trí bằng nhiều hạt pha lê Swarovski.
Trang phục truyền thống của Hoa hậu Nam Phi 23 tuổi Tansey Coetzee với các màu lam, lục và vàng, làm từ tơ sồi và được gắn lông chim công và đà điểu Châu Phi. Ngoài ra thân áo còn có được trang trí bằng nhiều hạt pha lê Swarovski.
Trang phục truyền thống của Hoa hậu Venezuela 22 tuổi Dayana Mendoza được làm hoàn toàn từ các tua acrylic, đá và pha lê với cảm hứng từ quần áo của phụ nữ vùng Amazone. Chiếc khăn trùm đầu được trang trí bằng chùm lông vũ cùng màu.
Trang phục truyền thống của Hoa hậu Venezuela 22 tuổi Dayana Mendoza được làm hoàn toàn từ các tua acrylic, đá và pha lê với cảm hứng từ quần áo của phụ nữ vùng Amazone. Chiếc khăn trùm đầu được trang trí bằng chùm lông vũ cùng màu.
Vũ khúc hạc là tên gọi của bộ áo dài của Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thùy Lâm. Chiếc áo mô phỏng kiểu trang phục của hoàng hậu Nam Phương, nhằm giới thiệu với bạn bè thế giới về một đất nước Việt Nam đầy tiềm năng phát triển và tôn vinh hai ngành nghề truyền thống là thêu tay và chế tác kim hoàn.
"Vũ khúc hạc" là tên gọi của bộ áo dài của Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thùy Lâm. Chiếc áo mô phỏng kiểu trang phục của hoàng hậu Nam Phương, nhằm giới thiệu với bạn bè thế giới về một đất nước Việt Nam đầy tiềm năng phát triển và tôn vinh hai ngành nghề truyền thống là thêu tay và chế tác kim hoàn.

Hoa văn của người Lô Lô

Hoa văn - họa tiết trên thổ cẩm của người Lô Lô

Hai nhóm Lô Lô Hoa và Lô Lô Đen đều sử dụng phối hợp kỹ thuật chắp vải mầu có thêu khá tinh tế trong những khuôn thức bố cục chặt chẽ, có hòa sắc rực rỡ sáng, tươi của các mầu nguyên sắc được bố trí bên nhau làm rõ, làm tăng độ tương phản vốn có. Người Lô Lô Hoa sử dụng kỹ thuật trang trí chắp hình vải mầu nhiều hơn trên trang phục. Người Lô Lô Đen sử dụng kỹ thuật thêu nhiều hơn, dùng xen kẽ với chắp hình vải mầu, bố cục trang trí trang phục thoáng, nhẹ hơn. Cả hai nhóm đều thể hiện nhiều mẫu hình trang trí đặc sắc của các dân tộc có ngôn ngữ: nói tiếng Tạng-Miến ở phía Bắc nước ta.

Hình tượng thần vị Kết Dơ - cai quản vũ trụ, tạo ra con người; các hình tròn có chữ Hán trên các hình chạm bạc, các khuy hình tròn bằng vỏ trai, vỏ ốc xà cừ có mầu sắc lóng lánh dính thành dẫy, thành chùm trên nền khăn đen, các hạt cườm ngũ sắc, các tua đỏ dính viền mép khăn đội đầu, thể hiện cho bầu trời cùng các vị thần tinh tú. Đường diềm trang trí bổ ô thể hiện họa tiết biểu trưng cho sự tuần hoàn của Mặt trời, Mặt trăng, thời tiết, mùa màng viền quanh khăn, là một kiểu bố cục khăn đội đầu của họ.

Hình tượng thần vị Mít Dơ - cai quản mặt đất, che chở con người, các hình tròn có chữ Hán trên các hình chạm bạc. Đường diềm trang trí bổ ô hình vuông thể hiện họa tiết tượng trưng cho bốn phương và trung tâm viền quanh khăn đội đầu, các mảng trang trí trung tâm chia thành nhiều ô vuông, trong ô vuông có chắp vải hình tam giác kèm nhau đôi một, một bên sáng một bên tối, một bên đậm mầu một bên nhạt mầu, một bên rực sáng một bên trầm u... thể hiện cho sự chuyển biến tuần hoàn của không gian, thời gian, của vũ trụ kỳ bí - là một kiểu bố cục khăn đội đầu của họ.

Cả hai kiểu bố cục đó đều sử dụng các họa tiết khác nhau nhằm biểu trưng cho cõi trời, cõi đất. Sự thể hiện nội dung này trong trang trí Lô Lô là hoàn toàn khác biệt.

Trong trang trí Lô Lô, nhất là trên trang trí của nhóm Lô Lô Đen, ta thấy xuất hiện hình trang trí: chim Ngó Bá. Phải chăng, con chim huyền thoại Ngó Bá này chỉ có liên quan đến nhóm Lô Lô Đen, như hiện tượng dân tộc học về tín ngưỡng vật tổ, còn tồn tại trong văn hóa của nhiều dân tộc, trong đó có dân tộc Lô Lô. Trên cả hai tấm khăn, người ta còn thêu những đường diềm nhỏ trang trí hình con cừu, đó là một con vật trong số 12 con vật tượng trưng để tính lịch, ngày, tháng, năm trong cách tính thời gian của nhiều dân tộc có ngôn ngữ Tạng - Miến.

Trên trang trí Lô Lô còn xuất hiện hoa văn trang trí hình bông lúa, là loại họa tiết thường trang trí trên quai trống đồng, một loại hình nhạc cụ phổ biến của các dân tộc ở miền Nam Trung Hoa và ở Việt Nam, trong đó có dân tộc nói ngôn ngữ Tạng - Miến. Hiện nay, người Lô Lô vẫn còn lưu giữ bảo quản loại trống đồng cổ truyền này với tư cách một nhạc cụ, sử dụng trong những dịp tiến hành nghi lễ trang trọng phục vụ cho phong tục, tập quán của dân tộc. Trang trí Lô Lô thực sự mang bản sắc văn hóa, cách nhìn quan điểm thể hiện nghệ thuật độc đáo riêng.

Trang phục dân tộc Mường

Trang phục dân tộc Mường

Thiếu nữ Mường trong trang phục truyền thống

Trang phục Mường

Người Mường có đặc trưng riêng về tạo hình và phong cách thẩm mỹ trên trang phục.
Nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, cúc sừng vai, hai túi dưới hoặc thêm túi trên ngực trái. Đây là loại áo cánh ngắn phủ kín mông. Đầu cắt tóc ngắn hoặc quấn khăn trắng. Quần lá tọa ống rộng dùng khăn thắt giữa bụng còn gọi là khăn quần. Xưa có tục để tóc dài búi tóc. Trong lễ hội dùng áo lụa tím hoặc tơ vàng, khăn màu tím than, ngoài khoác đôi áo chúng đen dài tới gối, cái cúc nách và sườn phải. Người phụ nữ Mương thường ngày mặc loại áo có tên là áo pắn (áo ngắn). Đây là loại áo cánh ngắn, xẻ ngực, thân ngắn hơn so với áo cánh người Kinh, ống tay dài, áo màu nâu hoặc trắng (về sau có thêm các màu khác không phải loại vải cổ truyền). Bên trong là loại áo báng, cùng với đầu váy nổi lên giữa hai vạt áo ngắn. Đầu thường đội khăn trắng, xanh với phong cách không cầu kỳ như một số tộc người khác. Váy là loại váy kín màu đen. Toàn bộ phận được trang trí là đầu váy và cạp váy, khi mặc mảng hoa văn nổi lên giữa trung tâm cơ thể. Đây là một phong cách trang trí và thể hiện ít gặp ở các tộc khác trong nhóm ngôn ngữ và khu vực láng giềng (trừ nhóm Thái Mai Châu, Hòa Bình do ảnh hưởng văn hóa Mường mà mặc thường ngày tương tự như họ). Nhóm Mường Thanh Hóa có loại áo ngắn chui đầu, gấu lượn, khi mặc cho vào trong cạp váy và cao lên đến ngực. Phần trang trí hoa văn trên cạp váy gồm các bộ phận: rang trên, rang dưới, và cao. Trong các dịp lễ, Tết, họ mang chiếc áo dài xẻ ngực thường không cài khoác ngoài bộ trang phục thường nhật vừa mang tính trang trọng vừa phô được hoa văn cạp váy kín đáo bên trong. Nhóm mặc áo cánh ngắn xẻ ngực thường mang theo chiếc yếm bên trong. Về cơ bản giống yếm của phụ nữ Kinh nhưng ngắn hơn.

Nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ Khmer ở Kiên Giang

Thiếu nữ Khmer trong trang phục truyền thống.

Người Khmer có kỹ thuật nhuộm truyền thống là“tkat” và “ba-tik” khiến vải vóc tơ, lụa bóng mà màu sắc không phai. Phụ nữ thường mặc váy, áo (tầm vông chor-phum) dệt bằng tơ tằm sợi bông, hay chỉ kim tuyến với các loại hoa văn khác nhau, Điểm nổi bật trên trang phục truyền thống của phụ nữ Khmer là bao giờ cũng được đính hạt cườm hay kim sa sáng lấp loáng kết hợp với hoa văn tinh xảo, thêm vào đó là gam màu khá sặc sở,… càng làm tăng thêm vẻ đẹp của trang phục...

Nhưng tuỳ vào khung cảnh: ở nhà, lên chùa lễ Phật hay về nhà chồng trang phục của họ cũng khác nhau. Đối với người Khmer tết vào năm mới của họ (Chôl-chhnăm-thmây) từ ngày 12 đến ngày 14 tháng Tư (DL). Còn vào dịp tết Nguyên Đán của người Việt, cũng là thời điểm các cô gái Khmer mặc những bộ váy áo với trang sức thật đẹp, rộn rã cùng nhau đi dự đám cưới, lên chùa lễ Phật, hay tập trung ở sân bãi nào đó trong phum, sóc hẹn hò, tìm hiểu:

"Anh quăng chlung tới (¹)

Chlung tung lên trời

Duyên em sáng ngời

Đón lấy chlung anh..."

Trang phục truyền thống ngày thường của phụ nữ Khmer là áo dài (tầm-vông, cũng có người gọi là áo cổ bồng) và vận xà-rông. Xà-rông là một mảnh thổ cẩm rực rỡ trang trí nhiều hoạ tiết hoa văn, nhưng trái chám là hoa văn chủ đạo, kích thước rộng khoảng 1m dài 3,5 m khi mặc thì cuốn lại che nửa người phía dưới…. Phụ nữ Khmer ở giáp vùng biên giới Việt Nam - Camphuchia như : Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên thường mua các loại váy áo tầm-vông vấn khăn (Krama) in hoa lá sặc sỡ mua từ Camphuchia để tiện mua bán, qua lại biên giới. Ngày nay, để giản tiện trong sinh hoạt nhiều phụ nữ Khmer ăn mặc giống như người Kinh trong ngày thường. Song, tất cả những điều này không có nghĩa là ý thức về bản sắc trang phục đã phai lạt trong suy nghĩ của họ.

Vào mỗi dịp lễ tết, lên chùa lễ Phật, vẻ đẹp của trang phục và đồ trang sức (tạm gọi là lễ phục) rực rỡ hơn. Họ mặc xà-rông có đính chuỗi hạt cườm ở cạp. Áo tầ-vông dệt bằng tơ tằm, sợi bông, hay chỉ kim tuyến với các loại hoa văn khác nhau màu trắng họăc vàng chủ đạo. Màu vàng được ưa dùng vì nó gợi không khí hội hè cũng là những sắc màu trong trang trí kiến trúc tôn giáo truyền thống thường gặp trong ngôi chùa Phật giáo. Để tôn thêm nét dịu dàng uyển chuyển đầy nữ tính trong bộ lễ phục này không thể thiếu “Sbay” - một loại khăn lụa xanh mềm mại, cuốn chéo từ vai trái xuống bên sườn phải.

Trong đám cưới, trang phục cô dâu Khmer thật đẹp. Cô dâu mặc áo dài màu vàng thêu kim tuyến và đính hạt cườm, hạt kim sa rực rỡ ở phía trước. Độc đáo hơn, trên đầu cô dâu còn đội chiếc mão “kha-ba-lòn-cốt” như một vương miện nhỏ xinh xắn được làm từ hạt cườm và hàng trăm chiếc cánh cứng màu xanh biếc của loài bọ cánh cam (người Khmer gọi là con Chil-vít). Nếu khăn “Sbay” trong bộ lễ phục màu xanh thì Sbay của cô dâu bằng vải dệt kim màu vàng và được đính hàng ngàn hạt kim sa nhỏ xíu sáng lấp lánh tạo nên nhiều mô-típ hoa văn vui mắt hình cánh Trang sức của người Khmer chủ yếu thể hiện vẻ đẹp thẩm mỹ và sự hài hoà với váy, áo đồng thời cũng mang ý nghĩa của tín ngưỡng truyền thống. Đồ trang sức cổ truyền của phụ nữ Khmer chủ yếu làm bằng hạt cườm, đồng,… Đặc biệt là hoa tai truyền thống của phụ nữ Khmer. Nó có hình cầu tròn, chế tác bằng đồng thau giống hình dáng của các loại trái cây. Những đồ trang sức này không thể tách rời khỏi trang phục mà nó luôn hài hoà với trang phục. Trong nền trời mây bàng bạc của sông nước Cửu Long và mái chùa cong vút, sắc màu tươi tắn của váy áo, trang sức hoà lẫn sắc màu của thiên nhiên thật gợi cảm. Nét đẹp và chiều sâu văn hoá ẩn chứa trong mỗi nụ cười của cô gái Khmer và trên mỗi trang sức mà họ mang trên người:

“…Vì con bướm rừng sẽ đến với em (²)

Vì có chàng trai tốt sẽ tới với em

Như nước về với giếng…”

Trang sức của các dân tộc thiểu số thường gắn liền với từng lễ nghi và phong tục, tập quán của mỗi dân tộc. Người Khmer cũng vậy, họ quan niệm để được khoẻ mạnh cần đeo vào cổ, tay hoặc thắt lưng một sợi dây bùa có gắn một mảnh xương hay nanh vuốt của thú dữ như hổ, cá sấu, heo rừng,... để ngăn trừ gió độc và tà ma. Có thể nói đối với cư dân Khmer, trang sức của họ ẩn chứa một khát vọng lớn lao về niềm vui và sức khoẻ. Nhìn những phụ nữ đeo bông tai to như những trái cây chín mọng thường có cảm giác họ là người chăm làm và khoẻ mạnh. Từ người già đến con trẻ đều có một loại trang sức nào đó trên người.

Người Khmer truyền nghề chế tác đồ trang sức theo tập quán gia truyền, trang sức là vật không thể thiếu trong đời sống của họ. Những món đồ trang sức là của hồi môn có thể truyền qua nhiều đời. Những chiếc vòng cổ, lắc tay có mô-típ đa dạng như hình trăng lưỡi liềm, hình thoi, trái cây, hình chim, thú vv….Ngày thường, phụ nữ Khmer đeo một đôi hoa tai, chiếc vòng cườm, nhưng ngày lễ tết họ thường đeo nhiều hơn thế. Trang sức Khmer cũng có một số nét tương đồng với các dân tộc khác.

Người Khmer quan niệm trang phục và đồ trang sức chỉ là một phần chứ chưa đủ làm nên vẻ đẹp của người con gái. Hình mẫu người con gái đẹp lý tưởng của các chàng trai Khmer được gửi gắm trong truyện cổ “Sa-tra-rương” là một ví dụ. Đó là nàng Vi-sa-kha, biểu tượng của sắc đẹp và đức hạnh: một là tóc nàng màu đen, dài tới gót chân và cong lên như đuôi con công. Hai, răng nàng phải trắng như ngà voi, đều đặn như hạt kim cương A-vi-va-ria. Ba, da thịt nàng phải mịn màng và mềm mại như trái pim-pak. Bốn, da nàng phải ửng một màu như hoa sen. Mang trên mình những bộ trang phục và trang sức như vậy các cô gái Khmer nghĩ rằng mình sẽ gần hơn với hình ảnh của nàng A-vi-va-ria kiều diễm.

Nếu những ngày tháng trong năm là công việc của đồng áng thì mùa xuân lại là thời gian giành cho những buổi họp mặt, vui chơi và đám cưới. Trong làn gió xuân mơn man của mùa xuân phương Nam, lòng người dường như được sưởi ấm và bừng lên niềm vui. Vào dịp này các cô gái Khmer như hồng lên nét mặt tươi xinh, xúng xính trong những bộ váy áo mới tạo nên bức tranh xuân tình tứ đầy màu sắc. Trang phục truyền thống của người phụ nữ Khmer e ấp luôn mang theo những bức thông điệp của mùa xuân.

Bộ trang phục truyền thống của Nga

Trước các cải cách do Petr Đại đế tiến hành, trang phục phụ nữ và nam giới Nga trên thực tế không khác biệt nhau nhiều về kiểu dáng, và truyền thống đó đã kéo dài nhiều thế kỷ.

Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.Bấm vào ảnh để xem kích cỡ đầy đủ.

Những cố gắng đầu tiên để thay đổi bộ trang phục truyền thống Nga được thực hiện vào cuối thế kỷ XVII. Và ngay lập tức, Sa hoàng Alexei Mikhailovich buộc phải ra lệnh cấm du nhập các thói quen ngoại lai và mặc trang phục “may theo kiểu nước ngoài”. Thế nhưng lệnh vua chẳng có mấy hiệu lực: khi các quan hệ giao thương và ngoại giao với các nước Tây Âu vừa mới phát triển, lập tức người ta hiểu ngay cái vẻ xấu xí và bất tiện của bộ trang phục truyền thống Nga.

Sa hoàng Peter Đại đế, ngược lại, buộc đất nước phải sống trong một nhịp độ khác, và nhịp độ sống ấy đã thay đổi cả các trang phục vốn vướng víu và nặng nề với các vạt dài lễ mễ, cũng như bộ râu quai nón của đàn ông, dài thiếu chút nữa thì đến thắt lưng. Và nhà vua đã mở cửa cho mốt, nhất là mốt Đức. Trong một sắc lệnh năm 1701 có thống kê tất cả các loại trang phục, từ các bộ lễ phục tới đồ lót, từ mũ mãng tới giày dép, mà nam phụ lão ấu Nga được phép sử dụng trong đời sống. Nước Nga đã thay cả tủ trang phục của mình. Sự kiện này dường như không có ý nghĩa gì nhiều. Người dân ăn mặc khác đi, thế thì đã sao. Tuy nhiên, đó là một cột mốc rất quan trọng. Một mặt, nó thể hiện sự thay đổi toàn diện trong xã hội, mặt khác, nó thúc đẩy các thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực của đời sống Nga.

Trong một áng văn châm biếm của tác giả M.M. Tsherbatov nhan đề “Về sự băng hoại thuần phong mỹ tục ở Nga”, được viết năm 1786 hoặc là 1787, nhưng mãi tới năm 1858 mới được A.I. Gertsen và N.P. Ogarev cho in, có những bằng chứng đáng quan tâm về sự kiện này. Tác giả viết rằng, ngày trước, chỉ có các bộ trang phục trang trọng nhất của chính Sa hoàng là đẹp đẽ và giàu có với “vàng, ngọc và đá quý lấp lánh khắp nơi”. Chính vì thế “chúng ít được sử dụng và bền đến mức khó có thể coi chúng đơn giản là quần áo, mà có thể coi chúng như vỏ bọc ngoài, cái hộp chứa ngọc thể của nhà vua”. Đồ phụ kiện của các bộ trang phục này được làm từ vàng, ngọc và đá qúy đủ các loại. Nhà vua và nữ hoàng có “năm hay là sáu bộ, nếu nhiều nhất là mười bộ, và thế là quá đủ - họ mặc những bộ đó cho tới khi chúng sờn rách”. Tầng lớp quý tộc và những người làm việc nhà nước cũng không thèm biết đến việc thay đổi mốt, “những gì ông họ đã mặc thì cháu họ cũng cứ thế mặc, chẳng cần biết chúng đã lạc hậu đến mức nào”.

Người ta thường cho rằng trong lịch sử trang phục luôn tồn tại cuộc đấu tranh khốc liệt giữa hai nhân tố, hai mục đích sử dụng chính của trang phục - mục đích che phủ thân thể, chống lạnh, và mục đích thẩm mỹ - làm đẹp cho chủ nhân bộ trang phục. Thế nhưng bộ trang phục truyền thống Nga thì hoàn toàn không phụ thuộc vào mốt, bởi nó đã mang trong mình cả hai nhân tố trên. Theo đánh giá không phải chỉ riêng một thế hệ nào, nó rất đẹp, và rất thuận tiện nữa. Và chính vì thế mà nó ổn định. Ổn định đến mức nhận định của tác giả M.M. Tsherbatov là rất chính xác và có cơ sở vững chắc.