Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Hoa văn trên trang phục của người Tày


Trang phục cô gái Tày

Trang Phục của người Tày đơn giản một sắc chàm, nét đặc sắc thể hiện ở những mẫu hoa văn trên vải của họ. Loại vải dệt hoa văn mầu đen trên nền vải trắng là loại vải để may mặt chăn, loại hình trang trí này phổ biến trong các dân tộc nói ngôn ngữ Tày-Thái, mà người ta còn dùng một thuật ngữ để gọi đồ án trang trí hoa văn như thế này là lái ăm - có nghĩa là vằn đồ đan, giống như các vằn nổi trên đồ đan. Họa tiết được kỷ hà hóa là chính để thích hợp với việc dệt trên khung dệt. Bố cục họa tiết theo phương pháp ô quả trám có các đường viền xung quanh tạo thành các đường diềm gãy khác. Trong các ô quả trám là họa tiết cách điệu hóa hình họa, hình ngọn rau bầu, bí, là loại cây có liên quan nhiều đến nền văn hóa cổ, tín ngưỡng cổ của nhiều cư dân nông nghiệp ở phía Bắc nước ta, trong đó có người Tày. Các dân tộc Thái, Lào, Lự ở nước ta phát triển loại hình trang trí này rất đa dạng, phong phú.

Trên cơ sở của loại bố cục hoa văn một mầu đen trên nền trắng như thế này, người Tày lại phát triển trang trí theo một hướng khác, gài mầu vào từng đoạn họa tiết, từng mảng họa tiết tùy trình độ thẩm mỹ, ý thích của người dệt trên khung dệt thủ công, có tên gọi là thổ cẩm, mang ý nghĩa là một loại gấm của địa phương.

Thổ cẩm có loại hình vuông để may mặt địu, có thể thức bố cục hoa văn đăng đối tuyệt đối, bao gồm những diềm và hoa văn bỏ ô ở khu vực trung tâm trang trí. Ngoài ô quả trám đã xuất hiện các biến thể như ô hình tám cạnh, hình vuông, hình chữ nhật, tạo cho đồ án trang trí có đường nét cấu tạo phong phú hơn, đa dạng hơn.

Có loại thổ cẩm bố cục hình chữ nhật để làm mặt chăn, màn che. Những tấm màn che mà vị trí là ở các nơi thờ cúng tổ tiên, người ta thể hiện các đề tài liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, như thêm đường diềm ở phía trên - tương ứng với cõi Trời, có hình các vị thần linh, bảo hộ cho sự sống bình an của con người hoặc thêm đường diềm ở phía dưới - tương ứng với cõi Đất, có hình con ngựa, con chim là những hình tượng biểu trưng cho cuộc sống, cỏ cây, muông thú trên mặt đất như quan niệm về vũ trụ của dân gian. Ngoài ra, còn có nhiều họa tiết khác nữa, như các chữ Hán-theo kiểu chữ triện, hồi văn phật giáo-chữ Vạn, Hoa đào, Hoa cúc cách điệu, hình mặt trời, ngôi sao tám cánh v.v.

Mầu sắc rực rỡ, sự phối hợp các màu nguyên sắc có độ tương phản cao bên nhau khá mạnh bạo. Có những hòa sắc trầm, dịu, hoặc sáng tươi, các sắc thái khác nhau cho thấy thổ cẩm Tày không gò bó trong quy thức hòa màu hạn chế nào, cho thấy sức sáng tạo phong phú và đa dạng của nghệ nhân nhiều thế hệ, đó cũng là những dấu ấn của sự phát triển trong trang trí dệt dân gian của người Tày để đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống ngày một đa dạng phong phú, về các mặt văn hóa tinh thần và vật chất của dân tộc.

Bố cục hình vuông của thổ cẩm, bố cục hình chữ nhật của loại thổ cẩm làm mặt chăn hoặc màn che có quy định phía trên phía dưới - là những bố cục riêng có trong trang trí dệt của người Tày, mà các dân tộc anh em không có.

Trang phục phụ nữ Khơ mú ở Nghệ An

Trang phục của phụ nữ

Người Khơ mú ở Nghệ An thường mua vải đã nhuộm sẵn về cắt may y phục. Bộ y phục thường ngày của đồng bào gồm có khăn đội đầu, áo, yếm, thắt lưng, váy, xà cạp.

Khăn đội đầu (hưm pông) thường ngày được may bằng vải mộc hoặc nhuộm chàm, không trang trí hoa văn. Khăn dài khoảng 2m, rộng 38- 40cm tuỳ theo khổ vải dệt. Khăn quấn đi lễ hội là loại khăn có thêu hoa văn một mặt rất đẹp. Người ta khéo léo quấn vòng quanh đầu để phô phần hoa văn ra ngoài. Một loại khăn khác là khăn nối (một nửa là vải thô nhuộm chàm, một nửa là dệt hoa văn) cũng thường được phụ nữ dùng trong dịp lễ hội.

Áo của người Khơ mú mặc thường ngày chủ yếu là áo ngắn màu chàm, xanh thẫm hoặc xanh lá mạ... Nẹp cổ liền với nẹp ngực nhưng chỉ dài ngang ngực. Phía dưới hai nẹp ngực nối thêm những băng vải nhỏ có màu đỏ, xanh, vàng... Áo thường có hai lớp vải, lớp trong thường là vải chéo xanh hoặc phin, lớp ngoài là vải dệt thô nhuộm chàm. Còn áo mặc trong những dịp lễ hội, cưới xin thường là áo dài. Khi mặc áo dài sẽ trùm kín cạp váy khoảng 20cm. Áo thường có hai loại dành cho 2 đối tượng. Đối với những gia đình khá giả sẽ mặc áo có dọc theo nẹp ngực, dưới gấu thêu hoa văn, sau lưng đính hai dải chỉ các màu có các tua dài sặc sỡ. Gấu tay áo nối những băng vải nhỏ màu xanh, đỏ, vàng. Loại thứ hai thường dành cho phụ nữ nghèo. Loại này không thêu thùa cầu kỳ mà chỉ trang trí mấy băng vải nhỏ trên nẹp ngực.

Bộ y phụ của phụ nữ Khơ mú còn có chiếc yếm (ươm). Yếm được may bằng vải trắng hoặc hồng. Đầu yếm cắt lượn tròn và thêu hoa văn trang trí, có đính hai dây vải để buộc vào cổ. Thân yếm đính hai dải vải dài hơn để buộc ra sau lưng.

2m, rộng 20cm. Khi dùng, họ gấp làm ba theo chiều dọc rồi quấn vòng quanh eo và giắt mối lại. Loại thắt lưng được làm bằng vải đỏ hoặc xanh, xâu vào một dây xà tích bằng vỏ ốc nhỏ, nay rất hiếm nên ít người dùng. Thắt lưng của những người khá giả dùng trong dịp lễ, tết là loại thắt lưng có đính nhiều mảnh bạc nhỏ hình tròn nối tiếp nhau.

Váy trước đây chủ yếu may bằng vải dệt thủ công màu xanh sẫm hoặc màu chàm, ở phần chân váy thêu hoa văn trang trí bằng chỉ nhiều màu. Vào những dịp lê, tết, phụ nữ Khơ mú thường mặc những chiếc váy đẹp nhất. Họ có hai loại váy: một loại may bằng vải tơ tằm pha sợi bông (còn khôm, còn như), một loại may bằng lụa tơ tằm (còn nhang). Hoa văn trang trí trên váy rất đa dạng gồm hình mặt trời, mặt trăng, hươu, nai, rồng, chim công, gà lôi, các loại hoa thược dược, hoa ban, phong lan...

Ngoài ra, phụ nữ Khơ mú còn có bộ xà cạp vận hằng ngày. Xà cạp được làm bằng vải màu chàm, dài khoảng 1m, rộng 40cm được gấp chéo theo chiều dọc. Khi dùng xà cạp phải quấn hai bên chân ngược chiều để đối xứng nhau.

Cùng với những bộ y phục trên, trong dịp cưới xin, lễ hội.... phụ nữ Khơ Mú còn đeo vòng đeo tay và vòng cổ bằng bạc, trông họ thật tha thướt, dịu dàng.


Lê Mai Oanh


Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Trang phục phụ nữ Cơ-ho

Trang phục phụ nữ Cơ Ho

Dân tộc Cơ-ho có 128.723 người, cư trú chủ yếu ở các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Bảo Lộc, Di Linh, Đà Lạt... tỉnh Lâm Đồng. Người Cơ-ho cư trú thành từng buôn, mỗi buôn thường là bà con họ hàng gần xa với nhau.

Dân tộc Cơ-ho tuy không có nghề trồng bông dệt vải nhưng qua trao đổi mua bán với các dân tộc anh em trong vùng họ mua sợi và dệt ra những sản phẩm vải để cắt may những bộ y phục truyền thống của dân tộc mình.

Trang phục phụ nữ Cơ-ho gồm: áo, váy, đồ trang sức, tấm choàng.

Áo (áo kroh): dệt bằng vải sợi bông màu trắng trên cài một số hoa văn. Áo dài khoảng 80cm, rộng 40cm, áo viền cổ tròn, áo hình chữ nhật trên dưới bằng nhau, vạt trước ngắn hơn vạt sau. Hoa văn trang trí chủ yếu hình quả trám ở giữa là hình cối giã gạo.

Váy (ùi bần): Váy thuộc loại váy cuốn dài khoảng 150cm, rộng 90cm, hình chữ nhật, màu xanh chàm, hai bên mép dệt hoa văn với các màu trắng, vàng, xanh, hai đầu váy thường để tua. Hoa văn trang trí chủ yếu là các đường kẻ song song, chấm trắng, đường kẻ ngang, ô chấm, dây cột trâu, lá nón, hoa văn trên ống đựng tên, ché rượu cần, gốc cây tre làm chà gạc... Toàn bộ hoa văn trên váy của nữ giới là hoa văn dệt chứ không phải hoa văn thêu.

Khi mặc váy họ thường bắt đầu quấn từ phía hông trái rồi quấn một vòng phần thừa gấp lại và gài vào bên hông phải. Loại váy này chỉ mặc trong các dịp cưới xin, lễ hội. Ngày thường họ mặc váy rất ít trang trí hoa văn.

Chuỗi hạt (Nhong ka long): Đồ trang sức của người Cơ-ho có nhiều loại vòng cổ, vòng tay, hoa tai... Ngoài những đồ trang sức bằng kim loại, nữ giới Cơ-ho còn sử dụng đồ trang sức bằng nhựa. Đồ trang sức bằng nhựa thường là những hạt màu da cam, vàng, xanh được xâu lại thành chuỗi hạt dài 98cm. Chuỗi hạt được nữ giới dân tộc Cơ-ho sử dụng trong các ngày lễ hội cổ truyền của dân tộc.

Tấm choàng (ùi nguếch): chiều dài khoảng 140cm, rộng khoảng 94cm: Tấm choàng là một bộ phận của bộ trang phục nữ giới dân tộc Cơ-ho, thường dùng trong các dịp lễ tết, cúng thần hoặc những ngày tiết trời giá lạnh. Tấm choàng có hình chữ nhật, nền màu xanh chàm, mỗi tấm có khoảng 26 đường thêu chỉ màu trắng chạy theo chiều dọc phân biệt với váy. Hai mép dọc và hai mép ngang được trang trí hoa văn các màu, trắng, xanh. Hai đầu tấm choàng có tua, hoa văn trang trí là hình con mọt, mắt sâu, choé rượu cần, lá nón, hoa trên ống đựng tên, toàn bộ hoa văn trên tấm choàng của nữ giới Cơ-ho là hoa văn được tạo bởi kỹ thuật dệt.

Khi sử dụng, tấm choàng được mở to quàng toàn bộ vào lưng, hai đầu bắt chéo về phía trước, tấm choàng sẽ phủ kín phần lưng và ngực của người sử dụng.

Trang phục của phụ nữ Cơ-ho thật độc đáo. Nhìn vào bộ trang phục có thể là dấu hiệu đầu tiên phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Trang phục là thành tố cần phải gìn giữ của mỗi dân tộc, cần được quan tâm và bảo tồn khi thành tố này đang ngày càng bị mai một.


Trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Bố Y

Dân tộc Bố Y ở Việt Nam là một trong những dân tộc có số dân ít nhất trong nhóm Tày Thái. Bố Y chia làm hai nhóm có tên gọi chung: nhóm ỏ Quảng Bạ (Hà Giang) có tên gọi là Bố Y, nhóm cư trú ở Lào Cai mang tên là Tu Di. Trang phục phụ nữ dân tộc Bố Y trong khoảng một thế kỷ gần đây có nhiều biến đổi về kiểu dáng, chất liệu, cách mặc…
Khăn đội đầu (ba can) bằng vải nhuộm chàm, là loại khăn dài 300cm, chiều rộng 35cm. Hai đầu khăn được khâu vắt mép bằng chỉ màu ghi, cạnh mép khăn dùng chỉ màu khâu thưa để đường chỉ nổi rõ có tính chất trang trí cho khăn. Khi dùng, gập đôi khăn theo chiều dọc rồi quấn xung quanh đầu, đuôi khăn ngoài cũng có thể giắt hoặc buông.

Áo trong (pủ đy) là loại áo kiểu tứ thân mở ngực, có một chiếc cúc đồng cài giáp cổ. Hai vạt áo trước có hai túi nhỏ cân xứng nhau để đựng tiền và đồ. Cổ áo liền với nẹp ngực được đáp bằng vải chàm xanh, cổ tay áo đáp khoanh vải màu xanh rộng 10 cm, hai đầu khoanh vải xanh viền một đường vải trắng 1 cm. Áo trong (pủ đý) được coi là loại áo lâu đời nhất trong bộ y phục cổ truyền của phụ nữ Bố Y. Hiện nay áo “pủ đý” không sử dụng mà cất kỹ trong hòm, khi chủ nhân quá cố mặc sang thế giới bên kia.

Áo ngoài (pủ pấp) bằng vải thô nhuộm chàm dài 60 cm, rộng 55 cm (tùy người cụ thể có kích thước khác nhau). Áo may kiểu tứ thân không có cúc cài, chỉ có một đôi dây vải, một chiếc đính phía dưới vạt áo trái, một chiếc đính nơi xẻ tà nách bên phải, khi mặc áo chúng được buộc lại với nhau.

Cổ áo (vừa pủ) liền với nẹp ngực, được khâu táp hai miếng vải màu xanh nhạt, nẹp áo trước ngực bằng vải đỏ. Trên nẹp vải đỏ thêu hoa văn, đồng bào gọi là con rồng (lùng). Nẹp áo trước ngực bằng vải xanh lơ trên thêu hoa văn hình răng cưa (vùa lùng).

Tay áo liền với thân, ống tay rộng, có nẹp vải trắng bên trong, bên ngoài dùng vải màu khâu xa mũi tạo thành ba chấm liên tiếp để trang trí.

Váy to (vấn lậu) hay còn gọi là váy dài, váy bằng vải thô nhuộm chàm dài 85 cm, cạp váy rộng 35 cm, là loại váy mở khép mí, gồm ba phần cạp váy, thân váy, gấu váy. Cạp váy (roi vấn) bằng vải thô màu trắng, hai cạnh cạp có đính hai dây vải để buộc. Thân váy được gấp nếp mới đính vào cạp váy có độ xòe khá lớn. Gấu váy (pấn vấn) là mảnh vải được dệt bằng chỉ màu xanh, đỏ, tím, ghi, tạo thành những đường kẻ nhỏ khâu ghép vào thân váy, gấu váy cũng được gấp nếp như thân váy. Váy to dùng che trước bụng, loại váy này trước kia dùng trong các dịp lễ tết, hội hè, cưới xin. Hiện nay không dùng nữa, nó được cất kỹ để mặc vào lúc quá cố.

Váy nhỏ (vấn biên) bằng vải thô nhuộm chàm dài khoảng 50 cm, cạp váy rộng 30cm, gồm ba phần cạp váy, thân váy, gấu váy. Cạp váy (roi vấn) bằng vải thô nhuộm chàm màu xanh, hai cạnh cạp váy đính hai dây vải để buộc khi mặc. Thân váy (coóng vấn) được cấu tạo khác váy to. Phía giáp cạnh váy là một miếng vải chàm gấp nếp nhỏ sít vào nhau theo chiều dài của váy. Tiếp đến là mảnh vải sợi màu đỏ đồng bào gọi là "tục vấn", nằm giữa váy và cũng được gấp nếp theo chiều dài của váy. Dưới "tục vấn" là dải vải thô nhuộm chàm cũng được gấp nếp theo chiều dài của váy. Gấu váy (pấp vấn) liền với thân váy được khâu viền ở phía trong. Cách mặc váy truyền thống của phụ nữ Bố Y: trước hết đặt váy to vào giữa bụng và buộc dây sau lưng, sau đó đặt váy nhỏ vào giữa lưng và buộc dây trước bụng. Bộ váy truyền thống của phụ nữ Bố Y thực chất là hai mảnh vải xếp nếp khép lại, khi mặc tạo kẽ hở (váy hở) ở hai bên hông để đi lại dễ dàng.

Tạp dề (vẩy dao) bằng vải thô nhuộm chàm dài khoảng 115cm, rộng 80cm. Tạp dề được đeo ngoài áo và váy trong những dịp lễ tết, hội hè, cưới xin gồm hai phần: yếm che và dây đeo. Yếm che bằng vải chàm, giữa yếm có thêu họa tiết hoa văn hình con cua cách điệu. Dây đeo bằng vải chàm được đính hai bên cạnh nhỏ của tạp dề. Khi dùng buộc vòng qua cổ. Dây buộc sau lưng được đính trên hai cạnh to của tạp dề, khi dùng buộc thắt sau lưng.

Trang phục của phụ nữ Bố Y là nét văn hóa độc đáo trong 54 dân tộc Việt Nam. Trang phục tộc người đóng góp vai trò to lớn trong kho tàng văn hóa dân tộc, là niềm tự hào dân tộc, là đặc trưng văn hóa của mỗi tộc người cần được bảo tồn và gìn giữ phát huy theo tinh thần Nghị quyết V khóa VIII của Trung ương Đảng trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Dân tộc Phù Lá

Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ thuộc nhóm Tạng.

Gặp bạn
Trang phục:
Nam mặc quần, áo xẻ ngực, trên thân áo và ở nẹp ngực có đính hạt cườm hình chữ thập. Trang phục nữ có nhiều hoa văn, ngoài áo có yếm cổ vuông thêu hoa văn, đằng trước đính hạt cườm tạo thành đường song song hoặc sao tám cánh.

Dân tộc Pu Péo

Người Pu Péo chủ yếu sống bằng nghề làm nương và ruộng bậc thang, trồng ngô, lúa, mạch ba góc, đậu... Trong sản xuất, đồng bào dùng công cụ cày, bừa; dùng trâu, bò làm sức kéo. Lương thực chính trong bữa ăn thường ngày là bột ngô đồ chín.


Tên gọi khác: Ka Beo, Pen ti lô lô.

Nhóm ngôn ngữ: Ka đai.

Dân số: 400 người.

Cư trú: Sống tập trung ở vùng biên giới Việt - Trung thuộc các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang.

Hôn nhân gia đình: Mỗi dòng họ có hệ thống tên đệm riêng dùng đặt tên lần lượt cho các thế hệ kế tiếp nhau. Trai gái các họ kết hôn với nhau theo tập tục: Nếu con trai họ này đã lấy con gái họ kia, thì mãi mãi con trai họ kia không được lấy vợ người họ này. Nhiều người dân tộc khác cũng đã trở thành dâu, rể của các gia đình Pu Péo. Nhà trai cưới vợ cho con, sau lễ cưới con gái về nhà chồng. Con cái lấy họ theo cha và người cha, người chồng là chủ nhà.

Tục lệ ma chay: Nghi thức tang lể của người Pu Péo gồm lễ làm ma và lễ chay.

Văn hóa: Pu Péo là một trong số rất ít dân tộc hiện nay còn sử dụng trống đồng. Trước kia, trống được dùng phổ biến nhưng đến nay đồng bào chỉ dùng trong ngày lễ chay. Theo phong tục Pu Péo, có trống "đực", trống "cái" được ghép với nhau thành cặp đôi. Hai trống treo quay mặt vào nhau, một người đứng giữa cầm củ chuối gõ trống phục vụ lễ cúng.

Nhà cửa: Mặc dù hiện nay người Pu Páo nhà đất là chính. Nhưng đồng bào còn nhớ rất rõ là sau khi đến Việt Nam khá lâu hãy còn ở nhà sàn.

Nhà đất hiện nay rất giống nhà người Hoa cùng địa phương. Nhưng cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt có khác.

Bộ khung thường được làm bằng gỗ tốt, thường thuê thợ người Hán làm.

Điểm đáng chú ý là trong nhà của người Pu Péo còn có gác xép. Gác này là nơi để đồ đạc, lương thực... Khi nhà có thêm người thì các con trai, người già lên gác ngủ.

Trang phục: Có cá tính riêng trong chủng loại trong cách sử dụng và trang trí.

+ Trang phục nam: Hàng ngày họ mặc áo cánh ngắn loại xẻ ngực, màu chàm. Quần là loại lá tọa cùng màu. Trong dịp lễ, tết nam giới thường đội khăn chàm quấn theo lối chữ nhân, mặc áo dài xẻ nách phải, màu chàm hoặc trắng.

+ Trang phục nữ: Phụ nữ Pu Péo thường để tóc dài quấn quanh đầu, cài bằng lược gỗ, hoặc bên ngoài thường đội khăn vuông phủ lên tóc buộc thắt ra sau gáy. Trong ngày cưới cô dâu còn đội mũ xung quanh được trang trí hoa văn theo bố cục dải băng và đính các bông vải. Phụ nữ thường mặc hai áo: áo trong là chiếc áo ngắn cài cúc nách phải, màu chàm không trang trí hoa văn, có đường viền điểm xuyết ở cổ áo, áo ngoài là loại xẻ ngực, cổ và nẹp trước liền nhau, không cài cúc, ống tay áo, nẹp áo và gấu áo được trang trí hoa văn nhiều màu. Váy là loại dài đen, quanh gấu được trang trí hoa văn, hoặc có loại trang trí cả ở giữa thân váy. Phía ngoài váy còn có ''''yếm váy'''' (kiểu tạp dề). Đáng lưu ý chiếc thắt lưng dài màu trắng, hai đầu được trang trí hoa văn màu sặc sỡ trong bố cục hình thoi đậm đặc. Khi mặc váy, hai đầu thắt lưng buông dài xuống hết thân váy. Chị em ưa mang đồ trang sức vòng cổ, vòng tay, đi giày vải.

Dân tộc Cơ Lao

Ở Đồng Văn, người Cờ Lao làm nương, gieo trồng ngô ở hốc núi đá. Ơở Hoàng Su Phi, đồng bào làm ruộng nước và nương núi đất, trồng lúa là chính. Nghề thủ công phổ biến của đồng bào là đan lát và làm đồ gỗ, sản phẩm là phên, cót, nong, bồ, bàn ghế, yên ngựa v.v...


Tên gọi khác: Ke Lao.

Nhóm ngôn ngữ: Ka đai.

Dân số: 1.500 người.

Cư trú: Tập trung ở huyện Đồng Văn và Hoàng Su Phìn (tỉnh Hà Giang).

Tổ chức cộng đồng: Mỗi bản người Cờ Lao có khoảng 15-20 nhà. Mỗi nhà là một gia đình nhỏ gồm vợ chồng và con cái, con trai có vợ ít khi ở chung với bố mẹ. Mỗi nhóm Cờ Lao có một số họ nhất định. Các con đều theo họ cha.

Hôn nhân gia đình: Theo phong tục con trai cô được lấy con gái cậu. Phụ nữ Cờ Lao khi mang thai thường kiêng cữ cẩn thận để sinh đẻdễ, con khỏe mạnh. Ơở vùng Đồng Văn, người Cơ Lao đốt nhau của đứa trẻ sơ sinh thành than rồi đem bỏ vào hốc đá trên rừng, tránh để cho chó hay lợn giẫm vào. Đứa trẻ sinh ra được 3 ngày 3 đêm (nếu là con trai), 2 ngày 3 đêm (nếu là con gái), thì bố mẹ làm lễ đặt tên cho con. Đứa con đầu lòng được bà ngoại đặt tên cho. Người Cờ Lao chết đi được làm lễ chôn cất và lễ chay. Người Cờ Lao có tục khi chôn cất thì xếp đá thành từng vòng quanh mộ (mỗi vòng đá tương ứng với 10 tuổi của người chết), rồi lấp đất kín những vòng đá ấy.

Văn hóa: Hàng năm người Cơ Lao có những ngày lễ, tết theo âm lịch như 3 tháng 3, 5 tháng 5, 15 tháng 7, 9 tháng 9 v.v... và tết Nguyên đán là lớn nhất.

Nhà cửa: Người Cơ Lao ở nhà đất thường ba gian hai chái. Mái lợp tranh. Ơở Hoàng Su Phì đôi khi người ta lợp bằng những máng nứa theo kiểu lợp ngói âm dương. Vách đan bằng nứa, có khi người ta đan bằng những cây gỗ nhỏ...

Trang phục: Cá tính trang phục không rõ ràng chịu ảnh hưởng của trang phục (hay gần gũi) với cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái như (Tày, Nùng Giáy...) về kỹ thuật và phong cách mỹ thuật.

+ Trang phục nam: Đàn ông Cờ Lao mặc quần như nhiều dân tộc vùng biên giới phía Bắc.

+ Trang phục nữ: Phụ nữ Cờ Lao mặc quần, áo dài 5 thân cài nách, dài quá đầu gối, được trang trí bằng nhiều miếng vải khác màu khâu đáp lên ngực áo từ giữa ngực sang nách phải, theo mép xẻ.